Di tích Nhà ngục Đắk Mil - Địa chỉ về nguồn

06/10/2018 15:49

Theo dõi trên

Từ khi khánh thành vào ngày 31/12/2010 đến nay, Di tích lịch sử quốc gia Nhà ngục Đắk Mil (thôn 9A, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) đã trở thành một “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh.

Theo Bảo tàng tỉnh, hiện nay mỗi năm Di tích Nhà ngục Đắk Mil đón bình quân 2.000 lượt khách đến tham quan, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang và học sinh trên địa bàn tỉnh.

Mỗi khi có khách đến, Bảo tàng tỉnh đều cử cán bộ thuyết minh về lịch sử của di tích, tội ác của thực dân Pháp cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây. Vì vậy, di tích như một “trường học” về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, ngày càng thu hút được thế hệ trẻ trên địa bàn. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chọn Di tích Nhà ngục Đắk Mil là nơi về nguồn thường xuyên.


 
Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) tham quan Di tích Nhà ngục Đắk Mil

Theo Tiểu đoàn 301, đứng chân trên địa bàn Đắk Mil, từ năm 2011 đến nay, năm nào đơn vị cũng đưa các chiến sĩ mới nhập ngũ tới di tích để giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng. Các chiến sĩ còn tiến hành dọn dẹp vệ sinh khu di tích, thể hiện sự kính trọng đối với thế hệ cách mạng tiền bối.

Đoàn thanh niên Công an tỉnh nhiều năm nay cũng thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên trong lực lượng về nguồn tại Di tích Nhà ngục Đắk Mil. Thông qua đó, ngoài giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn viên, thanh niên ôn lại truyền thống bất khuất của thế hệ trước cũng như thể hiện quyết tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tương tự, các trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là ở huyện Đắk Mil thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại tại di tích. Nhiều trường còn tổ chức thi tìm hiểu lịch sử về Di tích Nhà ngục Đắk Mil, thu hút học sinh tham gia.

Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Đắk Mil cũng thường xuyên tổ chức cho các học viên đi thực tế tại đây. Trong quá trình đi thực tế, học viên còn phải viết thu hoạch liên quan đến quá trình đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị lưu đày tại đây.

Theo ông Nguyễn Văn Trần, Phó Trưởng Phòng Bảo tồn (Bảo tàng tỉnh), ngoài các dịp tết, thời điểm Di tích Nhà ngục Đắk Mil đón nhiều khách đến tham quan nhất là vào tháng 3, dịp 27/7 và Quốc khánh 2/9 hằng năm. Các đoàn khách đến đều thông qua Bảo tàng tỉnh để cử cán bộ có chuyên môn thuyết minh, giúp hiểu rõ về giá trị lịch sử của di tích.

Theo Bảo tàng tỉnh, trong nhiều năm qua, Di tích Nhà ngục Đắk Mil thu hút được nhiều du khách, nhất là người dân, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đến tham quan, học tập là điều rất đáng mừng. Vì vậy, để phát huy hơn nữa giá trị của di tích, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều nỗ lực như phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, đặt biển chỉ dẫn đường vào di tích trên quốc lộ 14. Ngoài ra, ngành du lịch cũng tăng cường quảng bá để thu hút các công ty du lịch ngoài tỉnh liên kết, mở các tuor du lịch tại địa bàn.

 
Hoàng Thanh
Theo baodaknong.org.vn

Bạn đang đọc bài viết "Di tích Nhà ngục Đắk Mil - Địa chỉ về nguồn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.