Làm sai lệch nhiều yếu tố
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm QLDS cho biết, trong quá trình kiểm tra thực tế, Trung tâm phát hiện nhiều hiện vật và nhiều nơi tại di tích Ngũ Hành Sơn bị xâm hại.
Đầu tiên là hai trụ cửa điêu khắc Chăm bằng sa thạch trên đường dẫn lên chùa Tam Thai. Năm 2015, Ban Quản lý (BQL) Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn có văn bản xin phục dựng hai trụ đá trên, tạo thành cổng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, BQL không trông coi cẩn thận, để công nhân mài nhẵn bề mặt hai trụ, làm mất yếu tố gốc của hiện vật, không còn nhận diện là di vật điêu khắc Chăm từng tồn tại 1.000 năm qua. Đây là hai trụ cửa thuộc tháp Chăm rất có giá trị, liên quan lịch sử hình thành của vùng đất Ngũ Hành Sơn.
Kế đến là di tích hang Âm Phủ hiện cũng bị làm sai lệch về ý nghĩa. Hang Âm Phủ là di tích gắn liền với trận đánh nổi tiếng giữa du kích Hòa Hải với tiểu đoàn biệt kích Nùng và lính thủy đánh bộ Mỹ vào năm 1968, trận đánh đi vào lịch sử, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khen tặng và phong tặng Dũng sĩ Ngũ Hành Sơn cho du kích Hòa Hải. Di tích hang Âm Phủ được đăng ký bảo vệ năm 1997. Thế nhưng thời gian qua, BQL Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn tiến hành xây dựng, tạo cảnh quan nói về truyền thuyết âm phủ trong Phật giáo, tạo ra các hình tượng ma quái làm biến dạng nghiêm trọng di tích hang Âm Phủ, làm sai lệch yếu tố gốc của di tích, gây sự nhầm lẫn về lịch sử đối với du khách.
Không chỉ vậy, hiện di tích quốc gia Ngũ Hành Sơn còn gặp tình trạng lấn chiếm và xây dựng trái phép xung quanh chân núi. Theo kiểm tra thực tế của Trung tâm QLDS, trong những năm qua, cơ sở điêu khắc đá Nguyễn Hùng mở rộng diện tích nhà xưởng, đặt một số tượng đá sát chân núi ở hang Âm Phủ, xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích.
“Còn nhiều vấn đề xâm hại khác nữa, trong đó có công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật, tư liệu quý thuộc di tích hiện còn lỏng lẻo. Theo thông tin chúng tôi nắm được, BQL Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn đang dự tính phá núi, mở đường lên cây di sản trên ngọn Thủy Sơn. Chúng tôi đã có ý kiến về điều này. Theo Luật Di sản, bất kỳ hoạt động nào liên quan đến di sản cấp quốc gia phải được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không được tự ý thực hiện”, ông Hồ Tấn Tuấn nêu quan điểm.
Phát triển du lịch, áp lực bảo tồn?
Ông Lê Quang Tươi, Trưởng BQL Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, những năm gần đây, danh thắng Ngũ Hành Sơn thu hút khá đông khách tham quan trong và ngoài nước. Tuy nhiên, du lịch phát triển thì việc bảo tồn di tích Ngũ Hành Sơn cũng chịu áp lực lớn, trong khi hiện nay tất cả cán bộ và nhân viên của BQL chưa ai có chuyên môn về công tác bảo tồn, bảo tàng.
“Tôn tạo, phục dựng những hiện vật, di tích tại danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng với mục đích giữ gìn và thu hút khách. Nhưng trong quá trình thực hiện còn thiếu sót, dẫn đến sự cố đáng tiếc. Chẳng hạn, hai trụ đá Chăm dẫn lên chùa Tam Thai bị gãy đổ từ lâu, nên chúng tôi xin phục dựng cho đẹp hơn, nhưng khi thực hiện, do anh em không có kiến thức về bảo tồn dẫn đến việc mài nhẵn bề mặt của trụ đá”, ông Tươi phân trần.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở VH - TT Huỳnh Văn Hùng cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản đề xuất của Trung tâm QLDS và trong tháng 11 này, Sở VH-TT cho thành lập đội kiểm tra toàn diện khu di tích từ công tác quản lý, xâm hại di tích đến nhân sự chuyên môn để sớm có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
“Quan điểm của chúng tôi là giữ gìn nguyên vẹn yếu tố cấu thành di tích. Nếu muốn phát triển dịch vụ, làm du lịch phải tôn trọng nguyên tắc đó. Chúng tôi cũng đã đề xuất đổi tên BQL Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn thành BQL Khu di tích Ngũ Hành Sơn để thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích, chứ cứ khai thác du lịch trên nền tảng văn hóa mà không giữ gìn, trân quý giá trị văn hóa sớm muộn gì cũng tàn phá văn hóa”, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.
(Theo Báo Đà Nẵng)