Di tích lịch sử văn hóa Bia Tiết Phụ - Nơi thờ tự hai bà vợ của Thạch Quận công Nguyễn Văn Chất

01/07/2023 10:05

Theo dõi trên

Bia Tiết Phụ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tôn (1678) tại xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà (nay thuộc Tổ dân phố Nhật Tân, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh).

z4475709031446-bd705aebd1e4aa24f7231f28a42c5625-1688098903.jpg
Khu vực thờ tự có nhiều cây tỏa bóng mát xanh tốt. Ảnh: Viết Hải

Bia Tiết Phụ ghi lại sự tích về hai chị em là bà Nguyễn Thị Đã (Đỡ) và bà Nguyễn Thị Năng (Nâng) đều có nhan sắc và thủy chung, là con của ông Nguyễn Văn Tuyển và bà Trần Thị Bình người làng Lê Xá, xã Đông Lỗ. Bà Nguyễn Thị Đã là thứ nữ, bà sinh vào giờ Mão, ngày 5 tháng 4 năm Bính Ngọ, niên hiệu Hoằng Định thứ 7 (1606) đời vua Lê Kính Tông. Năm Canh Thân niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 2 (1620), lên 15 tuổi bà kết hôn với người cùng làng là ông Tán tị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Điện tiền đô hiệu, Đảm ty, Tả hiệu điểm Nguyễn Hiền. Hiệu là Thạch Quận Công, bà đứng ngôi chính cai quản việc nhà. Vốn không có lòng đố kỵ, “chung cành lại liền phòng càng vui”. Bà Nguyễn Thị Năng, Á quận phu nhân sinh vào giờ Ngọ, ngày 16 tháng 5 năm Giáp Dần, niên hiệu Hoàng Định thứ 15 (1614) đời Vua Lê Kính Tông.

Năm Bính Dần, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626) bà Á quận phu nhân đến tuổi 13 cùng tướng công kết tóc xe duyên. Trượng phu trước giữ đúng cương vị người chồng, hai bà đều thuận theo đạo vợ, kính thành cúng bái tổ tiên, hòa thuận với họ hàng, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.

1-1688098903.jpg
Phía trong ban thờ hai bà vợ của Thạch Quận Công Nguyễn Văn Chất. Ảnh: Viết Hải

Nguyễn Văn Chất quê ở xã Đông Lỗ huyện Thạch Hà, nay là TDP Nhật Tân, phường Thạch Linh, không rõ năm sinh, mất năm 1648 đời vua Lê Chấn Tông niên hiệu Phúc Thái thứ 6 trong khi thân chinh đi đánh giặc Tàu ô, được truy tặng Tán tị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, điện tiền đô hiệu điểm ty, tả hiệu điểm Thạch Quận Công. Là bậc phụ mẫu giúp nhà Chu tài giỏi dương danh nhà Hán, đủ cả nhân nghĩa lễ trí tín, thẳng thắn ôn hòa, giản dị cương trực, chẳng thiếu. Đến như Vương phủ thì gần gũi long nhan, ở trong thì bảo vệ mà bên ngoài thì ngăn trở, có nhiêu công lao. Phụng quản ba quân, hiệu lệnh nghiêm minh, thủy quân và bộ binh đều giỏi. Tướng sỹ khỏe mạnh, lộc dân thêm nhiều, một mảy may tơ hào không tham vương, không tăng thuế má. Ân đức khoan hòa của ngài không hề dừng lại, đến lòng yêu thương người khác đều tăng thêm.

5-1688098903.jpg
Tấm Bia đá hơn 300 năm vẫn còn nguyên vẹn là một di sản văn hóa có giá trị về nhiều mặt và lịch sử tồn tại lâu đời. Ảnh: Viết Hải

Đúng vào ngày mồng 10 tháng 2 năm Mậu Tý niên hiệu Phúc Thái thứ 6 (1648). Ngài tướng công húy Văn Hiền được lệnh đi đánh giặc Tàu ô rồi hi sinh nơi chiến địa. “Một con chim phượng hoàng đã bay đi, hai con chim phượng hoàng đậu lại”/ “Chết đói là việc rất nhỏ, thất tiết là chuyện rất to”, hiểu được nghĩa đó, hai bà đã trinh tiết thờ chồng, tang tế trong 3 năm, lời thề hẹn không phai sơ một mãy, lòng trinh tiết đã rõ ràng, nghĩa lớn xưa nay là phải quy về dòng đích, vì vậy 2 bà bèn nhận nuôi người cháu họ của chồng làm con, để lo việc hương khói cho tiên nhân.

Do giữ được nghĩa trọn trinh tiết thờ chồng nuôi con nên nhân dân địa phương đề cử quan huyện trình quan thừa chính, khải lên Chúa Thượng, Chúa Thượng giao cho phủ đường bàn bạc tâu lên và được chỉ chuẩn y. “Cửa kim khuyết, chốn lầu thăm thẳm, sắc phong ban hai đạo rõ ràng”. Ấn phong bà chính thất của Thạch Quận Công làm Trinh tiết Quận phu nhân; Bà vợ thứ làm Trinh tiết Á Quận phu nhân, được khắc 1 tấm bảng vuông thiếp vàng 3 chữ “Tiết Phụ Môn” treo trước cửa, được cấp cho hưởng tô mười mẫu quan điền ở xứ Phao (Bàu) làm “ruộng Tiết Phụ” để được thâm ân trạch dồi dào, giao cho địa phương khắc bia thờ cúng, làm rạng rỡ danh tiết, để tiếng tăm còn mãi về sau.

z4475709059164-420b111a5f010037f2845eebbbee2670-1688098903.jpg
Nhà tiếp đón được xây dựng theo kiến trúc cổ. Ảnh: Viết Hải

Bia Tiết Phụ là một công trình kiến trúc bao gồm: cổng vào, tắc môn, ban thờ, bia đá được bao bọc bởi hàng rào xây kín xung quanh cao 1,2m, phía trước có cửa rộng. Trước cổng vào có hồ bán nguyệt trồng sen và hoa súng. Bia cao 1,85m mỗi mặt bia rộng 0,73m, trên diềm bia có trang trí các hoa văn hình mây lửa, bốn mặt đều khắc chữ hán. Bên cạnh là nhà đón tiếp được xây dựng bằng chất liệu bê tông theo kiểu kiến trúc cổ. Hình thức của tấm bia sau hơn 300 năm vẫn còn nguyên vẹn sẽ giúp ích cho những người quan tâm đến công tác nghiên cứu về kỹ thuật chế tác đá, hình thức khắc văn bia, mỹ thuật trang trí dưới thời Lê cuối thế kỷ XVII…

6-1688098903.jpg
Hồ bán nguyệt trước cổng vào. Ảnh: Viết Hải

Sự hiện diện của Bia Tiết Phụ cho đến ngày nay là một di sản văn hóa hết sức giá trị, có giá trị về nhiều mặt và có lịch sử tồn tại lâu đời. Nội dung bia ghi lại sự tích hết sức cảm động của 2 chị em Nguyễn Thị Năng và Nguyễn Thị Đã về sự chung thủy và tiết hạnh. Đây có thể nói là bài học muôn thuở về đạo đức của người Phụ nữ Việt Nam. 

Ngoài tấm bia Tiết phụ ở TDP Nhật Tân, tại vườn nhà bà Nguyễn Thị Chương TDP Yên Đồng, phường Thạch Linh còn có am tháp liên quan đến hai chị em Nguyễn Thị Năng và Nguyễn Thị Đã. Am tháp được xây dựng bằng gạch nung đỏ có vữa kết dính với kiểu dáng thân hình trụ chữ nhật. Am tháp được xây dựng để thờ Phật, do hai bà vợ của Thạch Quân Công xây dựng nên có kiểu dáng giống như Am tháp ở chùa Hương tích trên đỉnh núi Hồng Lĩnh.

2-1688098903.jpg

Từ những giá trị to lớn đó mà Bia Tiết Phụ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh vào năm 2010. 

Ngày 29/6/2023 (tức ngày 12/5 âm lịch) vừa qua, UBND phường Thạch Linh và cùng nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức làm lễ giỗ của hai bà.

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Di tích lịch sử văn hóa Bia Tiết Phụ - Nơi thờ tự hai bà vợ của Thạch Quận công Nguyễn Văn Chất" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.