
Đình Đình Chu (xã Đình Chu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được Bộ VH - TT (nay là Bộ VH, TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996. Đình mang đậm những nét kiến trúc đậm chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ có thể nói là “của hiếm” còn lại.
Vĩnh Phúc hiện có 1.303 di tích, trong đó có 472 di tích xếp hạng (66 di tích xếp hạng cấp Quốc gia (đình Đình Chu là 1 trong 66 di tích), 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 404 di tích xếp hạng cấp tỉnh) và 831 di tích chưa xếp hạng.

Đình Đình Chu thuộc xã Đình Chu huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc xưa thuộc làng Chu Đề, Tổng Sơn Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Sơn Tây (Xứ Đoài). Đình được xây dựng năm Gia Long thứ 2 (Tức năm 1803, niên hiệu nay còn ghi khắc ở câu đầu) và trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Các cột trong đình đều được chế tác bằng gỗ nguyên khối và trạm trổ công phu.

Đình có kiến trúc hình chữ Đinh (丁), gồm tòa Đại Đình to lớn, rộng 13.2m dài 23.2m với 5 gian 2 dĩ với 48 cột lớn nhỏ. Cột cái có đường kính 0.5~ 0.6m. Bốn mặt không xây mà để thoáng, chỉ xây trụ gạch ở bẩy góc theo phong các đình xứ Đoài. Hậu cung có hình vuông dài rộng 8.2m là một tòa gác hai tầng tám mái rất cân đối và thanh thoát được xây kín, phía trên gác là thượng ban thờ thành hoàng.
Tại gian thờ chính trong đình có bức hoành phi đời Nguyễn với 4 đại tự “NAM THIÊN TRIỆU THỦY” nghĩa là “Khởi dựng trời Nam” được sơn son thếp vàng chế tác năm Bảo Đại - Nhâm Ngọ (1942). Nghệ thuật điêu khắc của đình là sự kết hợp của nghệ thuật đời Lê - Nguyễn, cũng bởi đình được những năm đầu tiên của đời Nguyễn nên còn chịu nhiều ảnh hưởng của những nét độc đáo tinh xảo của điêu khắc thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789).

Do những biến động của lịch sử và việc phân chia sử dụng các khu đất hành chính của xã Đình Chu, đình được di chuyển toàn bộ vào khu vực mới, hiện nay chính là nằm trong khuôn viên của UBND xã Đình Chu.

Theo phong tục của hàng năm cứ ngày 10/10 âm lịch là ngày tiệc thờ thánh, làng có tổ chức rước bài vị từ Miếu Hùng Vương ra đình tế lễ, ca hát rồi mới rước quay trở về Miếu trong ngày, nhưng ngày nay do đình xuống cấp nghiêm trọng chưa được khôi phục. Chính vì thế ngôi đình không được sử dụng và dần trở nên hoang phế và không quan tâm sửa chữa.

Sự xuống cấp nghiêm trọng của đình người dân địa phương đã hô hào các nhà hảo tâm mua tôn làm nhà bao che cho đình để bảo vệ di tích trước sự xâm hại của thời gian, trước mắt là thể giảm thiểu tác động của mưa bão, tránh sự cố không đáng có khi xảy ra mưa to gió lớn”.

Theo như ông Ngô Duy Đông, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc thông tin trong buổi họp báo chiều 17/6/2019, thì Ngành văn hóa Vĩnh Phúc hiện đang tham mưu cho tỉnh đầu tư, tu bổ các di tích, đặc biệt các di tích bị xuống cấp, hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết hội đồng nhân dân các cơ chế tu bổ chống xuống cấp di tích và sẽ báo cáo hội đồng trước cuối năm nay.

Trước việc đình Đình Chu có nguy cơ đổ sập, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương vào cuộc để cứu lấy di tích đình Đình Chu nói riêng và các di tích khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không sớm bảo tồn các di tích này sẽ trở thành phê tích bất cứ lúc nào.