Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà ông Võ Văn Võ

22/12/2015 15:21

Theo dõi trên

Nhà cổ của ông Võ Văn Võ tọa lạc tại số 411, tổ 21, khu 1B, thị trấn Cái Bè, (huyện Cái Bè) mang đậm phong cách đặc trưng của người dân Nam bộ, được xây dựng năm 1929 và hoàn thành vào năm 1931. Trải qua hơn 80 năm, đã qua 4 đời sử dụng và nhiều lần tu bổ, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc khá nguyên vẹn như ban đầu. Do chỉ cách trung tâm thị trấn Cái Bè 800 m đường bộ và cạnh bến tàu thủy du lịch huyện nên đường đi đến di tích này bằng ô tô và tàu thủy rất thuận lợi.



Ngôi nhà cổ của ông Võ Văn Võ.

Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống nhà chữ đinh, có thảo bạt, diện tích xây dựng 380 m2, bộ khung gồm 54 cột gỗ tròn thao lao từ 20 - 22 cm được kê trên tảng đá xanh.

Từ bên ngoài nhìn vào, ngôi nhà được xây dựng theo nhà chữ đinh, kiểu nhà rường xiên, trính, gồm 3 gian 2 chái, có 5 cửa vào nhà chính, trên cửa gian chính gắn biển đại tự “Hiển Nhạc Đường” được chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng; mi cửa hình vòm, chạm rồng phụng, cách điệu;  đố cửa chạm hoa cúc, trái lựu, hoa mai; dọi đố chạm cá chép; khung cửa được trang trí chạm nổi với các đề tài: Rồng dây lá, hoa cúc cách điệu, chim phượng, hoa mai, cúc trúc, dơi và lựu.

Gian trước nhà thiết kế song gỗ. Bên trong ngôi nhà chính có 36 cột, trên cột cái trang trí đôi câu đối: Lập thân giáo gia bất ngoại can thường chính lý/ Kế chí thật sự vô vong trung hiếu sơ tâm (đại ý là nối chí ông bà lấy trung hiếu làm đầu) và các cột con nhà chính đều trang trí liễn khảm xà cừ đề tài mai, lan, cúc, trúc rất độc đáo; 2 bên là 2 vách lụa có 18 khuôn chạm lọng các đề tài hoa lá; bên trên là 6 thanh kèo vỏ đậu, đầu mang cá 2 bên chạm hoa lá, đuôi kèo chạm đầu rồng; trên các lá dông đuôi kèo lần lượt chạm 2 mặt các đề tài: Mai điểu, hoa lan và bướm; chim và hoa lá; trúc điểu, gà trống và hoa; dơi và mây… rất tinh xảo. Nền lót gạch Tàu da quy. Mái ngói vảy cá. Ngoài ra, nhà chính còn có bệ thờ Phật và tổ tiên nhô ra hình vòng cung.

Hiện ngôi nhà ngoài lưu giữ 5 đôi liễn khảm xà cừ, 3 bộ trường kỷ, 2 bộ ván, 3 tủ thờ khảm xà cừ rất độc đáo, còn giữ được các cổ vật quý giá như: 3 bộ trường kỷ (chạm hoa trái); 3 tủ thờ khảm xà cừ (các đề tài tứ linh, tứ quý và các điển tích cổ); 5 đôi liễn khảm xà cừ mai điểu; 1 đôi câu đối khắc âm nét chữ Hán; 2 bộ ván chất liệu gỗ gỏ; 1 biển đại tự (Hiển Nhạc Đường được sơn son thếp vàng); 1 bộ bao lam chạm chim trĩ và hoa mẫu đơn; 4 bình hoa bằng đồng (phước, lộc, thọ và thập bát la hán); 2 nhạo rượu bằng đồng đúc (thập bát la hán) và 2 đỉnh bằng đồng đúc (song long).

Hàng năm, gia đình ông Võ cúng giỗ tổ tiên trong gia tộc và còn lưu giữ 1 nghi tiết cúng đất vào ngày 14 tháng 4 âm lịch, với lễ vật cúng là đầu heo và chè rất độc đáo.

Với nét kiến trúc ngôi nhà dân gian độc đáo, năm 2000 - 2001 ngôi nhà đã được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và ngành Văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng; được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Từ đó đến nay, nhà cổ của gia đình ông Võ Văn Võ và một số ngôi nhà cổ khác trong Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè đã đầu tư bảo tồn, khai thác phát triển du lịch sinh thái được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Theo Mạnh Thắng - Văn Cẩm (Báo Ấp Bắc)

Bạn đang đọc bài viết "Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà ông Võ Văn Võ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.