Di tích K20 huyền thoại trong lòng thành phố Đà Nẵng

19/01/2017 15:14

Theo dõi trên

Nhắc tới địa đạo Củ Chi người ta nghĩ tới đất thép thành đồng. Nhắc tới địa đạo Vĩnh Mốc người ta nhớ tới miền đất lửa Quảng Trị. Đường hầm Tây Giang viết thêm trang sử cho vùng đất Quảng Nam. Và chúng ta không thể không nhắc tới khu di tích K20 nổi tiếng một thời, cái nôi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng trong thời kỳ gian khó chống Mỹ tại Đà Nẵng.



Di tích K20 (nguồn internet)


Khu di tích lịch sử cách mạng K20 nằm trên địa bàn khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. K20 là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong chiến tranh.

Khu di tích là tên do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc nhằm tránh sự nhòm ngó của bọn mật thám, tay sai. quân dân nơi đây cứ đánh địch như từ trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên làm giặc không kịp trở tay nhiều lần khiếp vía, mà phải thốt lên rằng “vùng đất quỷ thần”.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, K20 là vùng đệm để bộ đội, du kích ta làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ- ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo nhiều tiếng vang lớn trên chiến trường khu 5, gây hoang mang cho địch góp phần đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào.

Sau khi chiếm giữ Đà Nẵng năm 1954, Mỹ Ngụy Xác định K20 là địa bàn xung yếu,nằm sát bên sông  Cổ Cò là địa điểm trọng yếu cả của ta và địch. Bộ đội muốn tập kết vũ khí, lực lượng, tiến đánh sân bay Nước Mặn của địch cần phải tiếp cận với làng vì vậy địch tăng cường các lực lượng ngày đêm lùng sục đàn áp rất ác liệt nhằm cô lập làng. Và đã xây dựng nhiều đồn bót quanh Đa Mặn, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng ngay từ bên ngoài vào thành phố. Nhưng Chúng không thể ngờ làng đã có một hệ thống địa đạo nuôi giấu bộ đội ngay dưới lòng đất, ngày đêm âm thầm chờ thời cơ giải phóng thành phố.

Năm 1962 nhân dân Đá Mặn đã tổ chức được một lực lượng du kích hùng mạnh tham gia làm nhiệm vụ “diệt ác, phá kìm”.

Làng Đá Mặn với chỉ hơn 3 nghìn dân, rộng 3km² có gần 30 đội viên nòng cốt làm nhiệm vụ tiêu diệt ác ôn, tay sai. Những tên có nợ máu với nhân dân sớm được xếp vào “sổ tử” của quân dân Đá Mặn. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi phong trào diệt ác phá kìm được Quân ủy Quận III phát động, đội quân này đã tiêu diệt được 12 tên ác ôn, phá hủy hàng chục ấp chiến lược của Mỹ-ngụy. Đá Mặn trở thành điểm “đỏ” trong các trận càn quét của địch.

Năm 1968 Quận uỷ Quận III do đồng chí Đặng Hồng Vân đã hướng dẫn cho người dân mô hình đào hầm bí mật, tạo thành một hệ thống hầm chằng chịt trong làng để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Hàng trăm hộ dân tích cực ngày đêm dào hầm, tạo thành một hệ thống chặt chẽ. Hàng trăm hộ dân tích cực ngày đêm đào hầm, tạo thành một hệ thống chặt chẽ, có tới 158 căn hầm bí mật. Mỗi hầm như thế nuôi bốn đến năm cán bộ cách mạng. Mặc dù kẻ địch mở rất nhiều đợt truy quét trong làng để tiêu diệt lực lượng nòng cốt nhưng chúng không tài nào phát hiện được. Hầm được đào ở khắp nơi trong nhà, dưới gường ngủ, ngoài vườn, ngoài hiên… tạo thành một thành lỹ vững chắc. Đá Mặn đã làm nên một trận địa cách mạng ngay trong lòng đất trong thời gian đó.

Các căn hầm được nhân dân làm rất công phu. Miệng hầm và lối đi vào rất hẹp nhưng bên trong lại rộng đủ để cán bộ cách mạng sinh hoạt hằng ngày. Ngoài miệng hầm chính còn được làm thêm miệng hầm giả. Nếu có tay sai chỉ điểm, nhân dân sẽ đập vỡ miệng hầm giả làm gạch, đá rơi xuống bịt miệng hầm chính, vừa đánh lừa địch vừa báo hiệu cho bộ đội trốn thoát ra ngoài.

Những chiến công oanh liệt, những tấm gương chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân căn cứ cách mạng K20 đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Ngày 24 tháng 9 năm 2010 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích K20 là di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Hiện nay, khu căn cứ có các di tích như nhà thờ tộc Huỳnh Văn, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Nguyễn, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà ông Nguyễn Lý… Ngoài ra, để ghi lại những chiến công của một thời hào hùng, Nhà truyền thống K20 đã được xây dựng để lưu giữ các hiện vật, tài liệu, chứng tích của thời kỳ đấu tranh kiên cường, anh dũng của quân và dân khu căn cứ cách mạng K20.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, nằm sát bờ sông, ngôi nhà của ông Huỳnh Trưng vẫn còn giữ được chiếc hầm bí mật được xây dựng ngay dưới bàn thờ trong nhà dùng để nuôi giấu cán bộ, thương binh trong suốt thời gian từ 1968-1975. Chỉ vào cửa hầm, ông cho biết, chiếc hầm này đã được trùng tu, sửa sang lại rộng rãi hơn để du khách có thể trải nghiệm cảm giác khi chui hầm đi ra ngoài. Rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế tìm đến các di tích này để tham quan như Anh, Pháp, Nhật Bản… Nhiều đoàn khách còn ở lại nấu ăn, tìm hiểu về di tích đến chiều mới về.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Di tích K20 huyền thoại trong lòng thành phố Đà Nẵng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.