Du khách thăm Đại Nội
Hoạt động của Trung tâm BTDTCĐ Huế năm 2016, có hai điểm nhấn đặc biệt nổi bật. Trước tiên là đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Toàn thể Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) lần thứ 7. Hội nghị quy tụ của khoảng 70 chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới và Thừa Thiên Huế đã đệ trình thành công “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, đó là Trung tâm BTDTCĐ Huế đã hoàn thành trung tu thành công nhiều công trình nổi bật, như: Phu Văn Lâu, Triệu Miếu, Ngọ Môn giai đoạn 1..., với số vốn đầu tư cho trùng tu bảo tồn di tích đạt mức kỷ lục - hơn 177 tỷ đồng.
Năm 2016, Trung tâm BTDTCĐ Huế triển khai 3 đợt kích cầu du lịch tại di sản Huế. Dù tình hình chung của ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn nhưng lượng du khách đến thăm khu di sản Huế vẫn tăng ổn định. Khu di sản Huế đón hơn 2,5 triệu lượt khách đến thăm, tăng gần 500 ngàn lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, lượng khách quốc tế tham quan di tích Huế có sự gia tăng đáng kể, đạt khoảng trên 1,4 triệu lượt khách, tăng hơn 30% so với năm 2015. Doanh thu từ vé tham quan hơn 262,7 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch cả năm.
Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tiếp tục tạo được dấu ấn khi giành 4 huy chương vàng, 5 huy chương bạc trong Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc với hai vở tuồng: Bi kịch vua thi sĩ, Về tìm lại cội nguồn. Nhà hát tiếp tục hoàn chỉnh hai hồ sơ: “Bát tiên hiến thọ” và “Phục trang Tuồng cung đình Huế”. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu, biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật truyền thống cung đình đối với du khách.
Trung tâm cũng triển khai nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, như: Vườn sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích; Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực vành đai xanh bảo vệ lăng Cơ Thánh; phục hồi nghệ thuật trang trí tiểu cảnh trong chậu đá tại các sân điện, sân chầu và miếu thờ của di tích lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức và Đại Nội; điều tra thực trạng và nghiên cứu giải pháp bảo tồn hệ thống cây cổ thụ các khu vực thuộc quần thể di tích Cố đô Huế… Đồng thời, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý rêu bám trên gạch Bát Tràng, tăng khả năng chăm sóc sân vườn, cây xanh, bảo quản giống cây trồng, nhân giống và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo không ô nhiễm môi trường di tích.
Nhiều mục tiêu trong năm 2017
Ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã có kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch chỉ tiêu Nhà nước giao hàng năm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với các khu Di sản Huế bằng nhiều hoạt động dịch vụ mới, như: mở của tham quan Đại Nội về đêm, mở các khu dịch vụ mua sắm, ẩm thực quy chuẩn và đa dạng hóa các sản phẩm hàng lưu niệm chất lượng cao…
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Trung tâm BTDTCĐ xác định, gồm: Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới mô hình quản lý trung tâm theo chủ trương trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; bố trí sắp xếp nguồn nhân lực, ưu tiên hoạt động đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy của trung tâm phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, khoa học bảo tồn, văn hóa phi vật thể; Tích cực tham gia tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật, lễ hội, trưng bày, triển lãm nhằm góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và di sản của Huế; tiếp tục kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế và khả năng tài trợ cho các hoạt động bảo tồn di tích…
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, do quần thể di tích Huế có nhiều công trình đã và đang bị xuống cấp nặng nề nên nguồn đầu tư cho công tác bảo tồn tu bổ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Việc phối hợp với một số ban ngành, địa phương để quản lý khoanh vùng bảo vệ di tích vẫn chưa chặt chẽ và hiệu quả; chưa có kế hoạch cụ thể việc đền bù giải phóng mặt bằng cho một số dự án bảo tồn tu bổ để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích giúp người dân có thể yên tâm an cư lập nghiệp. Năm 2017 vẫn có thể tiếp tục là thời gian có nhiều khó khăn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế. Tuy nhiên, ông Hải tin tưởng sẽ tiếp tục chủ động tìm mọi nguồn vốn hợp pháp cho công cuộc bảo tồn, trùng tu khu di sản Huế. Mặt khác, chủ động phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh nghiên cứu, xem xét những vấn đề vướng mắc trong việc quản lý di sản và chủ động trong quan hệ đối ngoại để tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế để tranh thủ sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, bảo tồn và phát triển bền vững khu di sản Huế.