Di tích được công nhận nhưng giải pháp nào để tồn tại?

22/06/2017 11:22

Theo dõi trên

Thị xã La Gi đất không rộng nhưng lại có nhiều di tích, thắng cảnh, là một trong những lợi thế phát triển du lịch. Trong đó có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và tỉnh. Sớm nhất là di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím (Tân Tiến) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) công nhận cấp quốc gia cách đây 20 năm. Di tích lịch sử cách mạng Dốc Ông Bằng được tỉnh công nhận năm 2004, nơi này được xây dựng Bia tưởng niệm Chi bộ Đảng Cộng sản tại Tam Tân.



Lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím diễn ra vào tháng 9 âm lịch hàng năm. Ảnh: Đình Hòa.

Di tích Hòn Bà là đảo nhỏ cách bờ biển 2km có ngôi đền thờ thánh mẫu Thiên Y A na nhưng mang bản sắc văn hóa Việt được ngư dân địa phương thờ phượng, gìn giữ. Năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng là di tích danh thắng. Ngay tại trung tâm dân cư tập trung nhất, nằm bên cửa biển La Gi, đình và vạn Phước Lộc được Bộ VHTT-DL xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 2012.

Điều đáng nói, với 4 di tích này đều xứng đáng được công nhận xếp hạng đã phản ánh được giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và dấu tích chặng đường khai hoang lập làng ở vùng đất phía Nam của tỉnh. Với di tích Dinh Thầy Thím việc đầu tư cho kiến tạo, phục chế có nhiều thuận lợi từ sự phát tâm cúng dường của khách thập phương nên khá quy mô và thu hút được khách du lịch qua lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím tháng 9 âm lịch hàng năm. Di tích cách mạng Dốc Ông Bằng ở vị trí cảnh quan đẹp, liền kề di tích Dinh Thầy Thím và bãi biển ngảnh Tam Tân và với giá trị lịch sử cách mạng, địa danh Dốc Ông Bằng có một ý nghĩa thiêng liêng, anh hùng và sáng tạo vì nơi này đánh đấu ngày thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận vào khoảng đầu năm 1931. Ngôi tháp bia này được tỉnh xây dựng và mới đây tiếp tục trùng tu đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và du khách tham quan.

Nhưng đặc điểm của hai di tích Hòn Bà và đình, vạn Phước Lộc lại khó tìm được nguồn đầu tư xây dựng, sửa chữa cho đúng yêu cầu thiết chế đối với loại hình cơ sở văn hóa tâm linh. Với danh thắng Hòn Bà, ngoài đền thờ Bà Chúa Ngọc theo người Việt được ngư dân bảo tồn nhưng không tránh khỏi những công trình thiết kế, dựng tượng tự phát do nhận thức tín ngưỡng dân gian trước đây. Di tích này được giao cho chính quyền phường Bình Tân nhưng chủ yếu là Ban quản lý vạn Tân Long đảm nhận. Đã thế, Hòn Bà còn là một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà lễ hội Vía Bà ngày 23/3 âm lịch hàng năm, khách thập phương tham quan, cúng viếng lại không được phép ra đảo. Bởi một lý do là yêu cầu vận chuyển bằng tàu thuyền, bến bãi… không đảm bảo theo quy định! Do vậy nguồn thu từ phương thức xã hội hóa không khả thi. Cảnh quan, miếu thờ…  không được trùng tu, cải tạo cho phù hợp tiêu chí của một danh thắng.

Thứ đến, di tích đình, vạn Phước Lộc mang nét đặc thù tín ngưỡng của ngư dân vùng biển có vạn thờ Ông Nam Hải (cá Ông) và người làm nông có đình làng thờ Thành Hoàng bổn cảnh, Tiền hiền hậu tổ. Thật hiếm có nơi nào như ở La Gi lại có 2 cơ sở tín ngưỡng đình và vạn Phước Lộc có sự kết hợp như vậy. Càng mang giá trị di sản vật thể quý là ở đây còn lưu giữ hàng trăm bộ xương cá Ông, nhưng đặc biệt với một bộ “ngọc cốt” được các chuyên gia nghiên cứu sinh vật biển xác định tuổi trên 200 năm. Nếu được phục chế, trưng bày sẽ là một địa điểm tham quan hấp dẫn với khách du lịch không kém gì bộ xương cá Ông ở Vạn Thủy Tú (Phan Thiết).

 Cũng chung tình trạng di tích Hòn Bà, đình vạn Phước Lộc chịu sự quản lý về di tích của ngành văn hóa tỉnh và địa phương nhưng nguồn thu để tôn tạo, trùng tu cơ sở phải theo phương châm xã hội hóa… Tưởng chừng hợp lý và được cộng đồng xã hội, khách thập phương đồng tình góp sức. Nhưng trong thực tế với điều kiện cơ sở vật chất ban đầu lại phải đảm bảo các quy định thiết chế, bài trí, điện thờ là vấn đề không đơn giản đối với cấp phường, xã. Giá trị di sản văn hóa là sự tồn tại lâu dài, cũng là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh mà La Gi coi đây là ưu thế trong phát triển về du lịch.


Phan Chính

Nguồn: Báo Bình Thuận
Bạn đang đọc bài viết "Di tích được công nhận nhưng giải pháp nào để tồn tại?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.