Di tích Đình Rắn - nơi mở màn phong trào Đồng Khởi

27/10/2016 14:44

Theo dõi trên

Về Bến Tre -“cái nôi” của phong trào Đồng Khởi, tôi và các đồng nghiệp được đến thăm rất nhiều di tích lịch sử. Trong đó, di tích Đình Rắn ở xã Đình Thủy, huyện Mỏ Cày Nam đã để lại rất nhiều ấn tượng, với những câu chuyện đan xen giữa hiện thực và huyền thoại.

Những câu chuyện huyền thoại

Con đường rẽ vào Đình Rắn trông có vẻ khá âm u, nằm giữa hai hàng cây bạch đàn. Trông coi đình là bà Võ Thị Năm, người đã gắn bó với ngôi đình trên 15 năm nay, nên nắm khá rõ nhiều chuyện thú vị gắn liền với ngôi đình.

Ngôi đình được xây dựng cách đây khoảng 150 năm khi người dân đến khai hoang, lập nghiệp và thành lập làng Định Phước. Vì thấy rắn xuất hiện nhiều nên dân làng lập một ngôi đình lấy tên là Đình Rắn để làm nơi sinh hoạt hội hè. Đình nằm trên mảnh đất cao ráo, làm bằng gỗ, mái lợp bằng lá dừa và quay mặt về hướng Đông.



Đình Rắn đã được phục dựng

Chuyện kể rằng, bà con thường thấy một cặp rắn to thoắt ẩn thoắt hiện, dài đến 20m. Điều đáng nói là cặp rắn không bao giờ hại người “ở hiền” mà chỉ trừng trị những kẻ gian, ăn những con thú hung dữ để bảo vệ dân làng. Vì vậy, dân làng đã suy tôn cặp rắn là “thần hoàng bổn cảnh” và gọi là “ông”. Mỗi khi trong làng có ai tranh chấp gì, bà con thường kéo nhau ra Đình Rắn để thề. Người dân rất sợ làm điều ác và sống ngay thẳng.

Sau khi làng được lập, dân làng đã bầu ban khánh tiết mà đứng đầu là chức hương cả. Điều lạ là khi bầu ba ông hương cả đầu tiên thì cả ba ông đều lần lượt qua đời đột ngột và rất bí ẩn. Dân làng cho rằng đã phạm lỗi gì nên bị thần đình phạt vạ. Từ đó, dân làng đã bầu “Ông Hổ” (Thần Hổ được thờ tại miếu ở gần đình do dân làng lập ra để trấn áp các loài thú dữ) làm chức hương cả.

Mấy nhiệm kỳ sau, khi cúng bầu chức hương cả, các cụ trong làng đặt một chiếc ghế bành sơn son thiếp vàng ngay trước cửa đình, trên ghế để một cái đầu heo sống và một tờ cử.

Điều lạ là sau một đêm cúng thì đầu heo và tờ cử biến mất, còn tờ cử của nhiệm kỳ trước lại xuất hiện nằm ngay ngắn trên ghế. Hiện tượng kỳ lạ này kéo dài cho đến những nhiệm kỳ sau. Mãi đến năm 1954, khi ban khánh tiết bầu nhiệm kỳ mới thì chiếc đầu heo và tờ cử sau một đêm cúng vẫn còn nằm nguyên.

Dân làng cho rằng “Ông Hổ” đã đi xa. Cũng từ đây, cặp rắn thần cũng không còn xuất hiện. Đến năm 1958, khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp phong trào yêu nước thì bất ngờ rắn thần lại xuất hiện trở lại.



Du khách thắp hương tại Đình Rắn

Nơi mở màn của phong trào Đồng Khởi

Năm 1960, khi nghe tin cán bộ cách mạng về Đình Rắn để họp, địch cử hẳn một đại đội lính phục kích để bắt. Tuy nhiên, nhiều người lính nghe tin đồn và sợ rắn thần nên không dám đi. Riêng viên trung úy ngụy không tin và vẫn cho một đội quân gan lì mang theo rất nhiều lựu đạn để đi bắt cán bộ cách mạng. Khi toán lính đến gần Đình Rắn thì bất ngờ xuất hiện nhiều tiếng lào xào rồi lớn dần lên thành chuỗi âm thanh ghê rợn.

Trong màn đêm xuất hiện một cặp rắn rất lớn cùng hàng trăm con rắn nhỏ khác bò lổm nhổm khắp đình. Do khiếp sợ nên một tên lính khi ném lựu đạn vào đám rắn, lại luống cuống ném vào đồng bọn. Viên trung úy ngụy được một phen hoảng loạn và mấy ngày sau thì chết vì nọc độc của rắn.

Theo bà Năm, người trông coi đình thì thật ra vào ngày 14/1/1960, bà Nguyễn Thị Định và những cán bộ cách mạng khác về Đình Rắn họp để chỉ huy phong trào Đồng Khởi. Khi biết tin, quân ngụy đã đi phục kích để bắt các chiến sĩ cách mạng, đồng chí Lê Minh Đào, lúc bấy giờ thuộc Tỉnh đội Bến Tre được giao nhiệm vụ chỉ huy đánh nhóm lính này.

Vì thiếu vũ khí nên bộ đội dùng rắn độc làm bẫy đặt trên đường tiến quân của quân địch. Về sau, mỗi lần quân ngụy hành quân qua Đình Rắn, quân ta đều dùng rắn để đánh. Dần dần, quân địch tin trong ngôi đình huyền bí có rắn thật nên không dám đến gần. Riêng chuyện cặp rắn thần trở về thì đó là cách tuyên truyền để nói về hình ảnh của bà Nguyễn Thị Định và cán bộ cách mạng về họp hội nghị triển khai phong trào Đồng Khởi.

Tại Đình Rắn, sau khi phân tích thời cơ, tương quan lực lượng giữa ta và địch, cán bộ cách mạng đã quyết định phát động toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, bức rút, bức hàng bọn ngụy quân, ngụy quyền ở nông thôn. Xã Định Thủy là một trong ba xã được chọn để phát động phong trào. Tổ hành động nhanh chóng được thành lập, trang bị các loại vũ khí sẵn có, chuẩn bị nổi dậy với mục tiêu quan trọng đầu tiên là tiêu diệt tên Đội Tý đang chỉ huy bọn tổng đoàn dân vệ và là tên có nợ máu lớn đối với nhân dân.

Ngày 17/1/1960, cũng tại Đình Rắn, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã phát lệnh nổ tiếng súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi và từ đây, lan rộng khắp các địa phương khác trong tỉnh. Vì vậy, Đình Rắn có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Năm 1993, Đình Rắn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2003, tỉnh Bến Tre đã đầu tư, phục dựng lại ngôi đình.

Một phần vì tin vào những điều linh thiêng, một phần để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh tại đây, nên cứ vào các ngày 14-16/5 âm lịch hàng năm, nhân dân khắp nơi lại tụ hội về Đình Rắn để viếng và tham quan.

(Theo Báo Đắk Nông)

Nguyễn Hiền
Bạn đang đọc bài viết "Di tích Đình Rắn - nơi mở màn phong trào Đồng Khởi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.