Di tích còn bởi lòng dân

02/12/2016 13:52

Theo dõi trên

Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng. Sự đa dạng văn hóa sẽ mất dần nếu những người dân trong mỗi dân tộc “lạnh nhạt”, thậm chí tìm cách xóa đi những sắc thái riêng có của mình. Các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam trong 20 năm trở lại đây được phục dựng, trùng tu rất nhiều, chứng tỏ lòng dân thiết tha với văn hóa dân tộc. Dù vậy, đôi khi di tích vẫn bị xâm hại vì lợi ích của một số tổ chức, cá nhân.

Sự phong phú về văn hóa của dân tộc có được là do văn hóa giàu bản sắc, thêm nữa là sự giao thoa tiếp biến văn hóa từ các nước, châu lục. Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV từng khẳng định về nền văn hóa, văn hiến nước ta khi viết trong Bình Ngô đại cáo: “Như nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu; Núi sông bờ cõi đã chia; Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Tại các làng xã, người dân lập đền thờ, đình làng, chùa… để sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, tổ chức lễ hội hàng năm. Nhà nước phong kiến đã khuyến khích, cổ vũ và có sắc phong thần cho các vị thần được thờ tại các di tích. Sử sách nước ta từ xưa đã ghi về việc này. Ví như sách “Viện điện u linh” được viết khoảng năm 1329 (thời nhà Trần), Lĩnh Nam chích quái (cũng thời Trần)...


Đền Đô còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế nơi thờ 8 vị vua nhà Lý.

Hàng ngàn năm phong kiến, các di tích được bồi đắp, trùng tu và gìn giữ trong các cộng đồng cư dân làng xã. Nhưng khi mô hình xã hội thay đổi, đã có những nhận thức sai lệch về các di tích văn hóa. Nhiều nơi đã tàn phá di tích, cho đó là tàn dư thối nát của xã hội phong kiến. Có nơi sử dụng di tích để làm kho chứa thóc, phân đạm, có nơi làm chuồng chăn nuôi gia súc… Rồi hàng chục năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… đã làm gián đoạn sự phục hồi các di tích. Giai đoạn này kéo dài ngót 40 năm (từ năm 1956 đến 1995).

Sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người dân ở nhiều làng quê đã tiến hành trùng tu, xây dựng lại các di tích. Việc phát triển, khôi phục mạnh mẽ các di tích chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa. Chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia chỉ tài trợ một phần ngân sách cho những di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh.



Hồ Bán Nguyệt trong khuôn viên của Đền Đô.

Đến đền Đô ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hôm nay, du khách cảm nhận được sự trang trọng, uy nghi của một quần thể di tích thờ các vị vua triều Lý. Nếu những năm 1995 - 1998, người dân Đình Bảng không tích cực hưởng ứng và đồng lòng quyết tâm xây dựng thì đâu có được khu di tích tầm cỡ như vậy. Nhiều du khách nhớ về hình ảnh người thuyết minh hay của đền Đô như ông Nguyễn Đức Thìn - Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân.

Ông Thìn cũng chính là một trong những người dân Đình Bảng năng nổ nhất để vận động xây dựng khu di tích đền Đô. Từ một di tích xây dựng mới, đến nay, Khu di tích đền Đô đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Cũng ở tỉnh Bắc Ninh, chính quyền và nhân dân xã Đại Lai, huyện Gia Bình cũng đã đồng lòng phối hợp cùng Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (cháu họ cụ Hoàng Đạo Thúy, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội làm hội chủ) xây dựng khu di tích Lệ Chi Viên để tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Trãi và phu nhân Nguyễn Thị Lộ.



Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm bên Bức cuốn thư “Chiếu dời đô” bằng gốm Bát Tràng.

Tại Hà Nội, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình Vĩnh Tuy Đoài bị phá hủy hoàn toàn. Di tích đình làng Vĩnh Tuy Đoài có giá trị lịch sử lớn, ghi nhận công lao của vua Lê Thánh Tông trong việc bình định Chiêm Thành. Những người dân Chiêm được đưa về Thăng Long và được cấp đất xây dựng ở vùng đất Vĩnh Tuy này. Những năm sau khi hòa bình lập lại, đất đình Vĩnh Tuy Đoài được cho Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 2 mượn. Từ 1987 đến nay, đất đình bị bỏ hoang. Trong khoảng thời gian dài từ năm 1993 đến 2007, hàng trăm người dân Vĩnh Tuy đã đồng lòng làm đơn đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cho phục hồi lại di tích. Người dân đã lập ra Ban vận động xây dựng lại đình làng Vĩnh Tuy Đoài. Trước sự kiên trì và đoàn kết của người dân, năm 2002, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định thu hồi đất của Xí nghiệp Dược phẩm trung ương 2. Năm 2007, một phần đất đã được trả lại để xây dựng đình. Đình cũng đã được xếp hạng di tích cấp thành phố. Đến nay, Ban Khánh tiết đình làng và người dân vẫn tiếp tục đề nghị chính quyền thành phố cho khôi phục lại nốt diện tích đất bỏ hoang để làm các hạng mục khác của đình.


Ban khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài và người dân.

Như vậy, trải qua hàng ngàn năm, để có được nhiều di tích lịch sử văn hóa như ngày nay, thì phải kể đến sự đoàn kết, chung sức, chung lòng góp công, góp của của các người dân trong các cộng đồng cư dân làng xã. Và tiếp nối truyền thống, từ nhiều năm nay, Nhà nước cũng đã có những Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cũng như ban hành Luật Di sản Văn hóa để bảo vệ di tích.

(Theo langvietonline.vn)

Từ Khôi
Bạn đang đọc bài viết "Di tích còn bởi lòng dân" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.