Đại Nội cung đình Huế được xây dựng khoảng hơn hai thế kỷ trước, là nơi sinh hoạt, làm việc và điều hành đất nước của Triều đình nhà Nguyễn bắt đầu từ vua Gia Long đến ông vua cuối cùng là Hoàng đế Bảo Đại. Trải qua 13 đời vua, Đại Nội là nơi chứa đựng những bí ẩn, diễn biến của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam kéo dài suốt hơn một trăm năm. Đại Nội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.
Và từ đó cứ hai năm một lần, cố đô Huế lại đón hàng vạn lượt khách đến từ khắp nơi trên thế giới về tham dự một Lễ hội văn hóa đặc sắc - Festival Huế. Lễ hội này đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá, phát huy giá trị của di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế. Di tích Đại Nội Huế bao gồm 2 phần Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên là Kim Thủy.Tử Cấm Thành cũng có hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 300m, vòng tường chung quanh cao 3,50m. Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều), điện Càn Thành (chỗ ở của vua), cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi), lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)...
Lăng Khải Định: Trong tổng thể di tích cố đô Huế thì lăng tẩm cũng là một phần không thể thiếu được trong sự phong phú, đa dạng loại hình của di tích. Ta có thể thấy ở Cố đô Huế có Lăng Khải Định, công trình cổ xưa có kiến trúc vô cùng độc đáo và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Lăng Khải Định hay còn được gọi là Ứng Lăng, nơi chôn cất và thờ cúng vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, Vua Khải Định. Đây là công trình có lối kiến trúc độc đáo pha trộn giữa nét hiện đại của châu Âu và nét cổ điển của Việt Nam. Lăng tọa ở quốc lộ 49, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lăng Tự Đức: Tiếp đến là Lăng Tự Đức, được xây dựng trong một thung lũng hẹp, giữa một rừng thông bát ngát. Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn được khách tham quan du lịch đến Huế rất quan tâm. Lăng tọa cách trung tâm Huế khoảng 8km, thuộc thôn Đoàn Nhữ Hải, phường Thủy Xuân, TP. Huế.
Lăng Minh Mạng: Lăng Minh Mạng thuộc địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách TP. Huế 12km. Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm cung điện, lâu đài, đình,... được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Đại Hồng Môn (ở ngoài cùng) tới chân tường của La Thành sau mộ vua. Đây có thể được xem là lăng lớn ở Huế, kiến trúc hài hòa và đẹp mắt. Bên trong lăng là một không gian của hội họa, thi ca và triết học. Sự uy nghiêm, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua, một vẻ đẹp trong các khu du lịch Huế.
Điện Hòn Chén: Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau nằm lưng chừng núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương. Công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây. Điện Hòn Chén là điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian, là nơi trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Điện Hòn Chén ở Núi Ngọc Trản, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(Theo baodulich.net.vn)