Sau Đồng khởi 1960, phong trào du kích ngày một lớn mạnh. Tại Chi khu Ngã Năm, du kích và địa phương quân huyện Thạnh Trị kết hợp với bộ đội chủ lực nhiều lần tấn công gây tiếng vang lớn: Tháng 5/1962, Tiểu đoàn 96 chủ lực khu được tăng cường cùng với Đại đội 71 của tỉnh Sóc Trăng là lực lượng chính tiến công Chi khu Ngã Năm tiêu diệt 150 tên, bắt sống 76 tên địch. Đêm 3/6/1962 ta tấn công tiêu diệt toàn chi khu, thu toàn bộ vũ khí, quân trang và quân dụng, làm nức lòng nhân dân trong và ngoài tỉnh
Chiến thắng Chi khu Ngã Năm mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, được ghi nhận đậm nét vào trang sử đấu tranh hào hùng của quê hương Sóc Trăng và trở thành truyền thống tốt đẹp để giáo dục các thế hệ mai sau.



Một góc phố chợ Ngã Năm.

Tuyến đường trước địa điểm chiến thắng Chi khu Ngã Năm.
Di tích chiến thắng Chi khu Ngã Năm được xây dựng với tổng diện tích gần 6.100m2; phần đế tượng 517,5m2; phần bệ tượng và tượng đài cao 18m. Vật liệu xây dựng bằng bê-tông cốt thép, riêng phần tượng là hình ảnh bộ đội kết hợp dân - quân trong cuộc tấn công tiêu diệt Chi khu Ngã Năm làm bằng đá granite, nền lát gạch terrazzo… Ngoài ra, còn có một số công trình phụ trợ: Cổng, tường rào, sân đường nội bộ, sân vườn, cây xanh, thảm cỏ… tổng mức đầu tư khoảng 21 tỷ đồng. Điêu khắc gia Trần Thanh Phong, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là tác giả của tượng đài.