Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh là các giá trị được truyền lại qua nhiều thế hệ, là món quà của thiên nhiên ban tặng, là sợi dây liên kết nối quá khứ với tương lai, tạo dựng bản sắc văn hoá của một dân tộc. Những giá trị di sản văn hoá đó có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia. Đặc biệt trong thời đại kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế, nó còn góp phần quảng bá văn hoá ra thế giới, phát triển du lịch - ngành kinh tế không khói của Việt Nam.
Văn hoá được xem là nguồn lực để phát triển du lịch. Ngành du lịch thế giới gắn liền với những cặp từ 3S trước đây là (sea, sand, sun) và bây giờ là 4S (sea, sand, sun và sense - biển, cát, ánh sáng mặt trời và ý thức). Những yếu tố này đều có sự liên quan mật thiết đến môi trường. Hoạt động du lịch luôn có mối quan hệ hay ảnh hưởng và tác động nhất định tới môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn. Du lịch khai thác những giá trị, đặc tính của môi trường mà nó tồn tại để phát triển, qua đó thay đổi những đặc tính của môi trường đó. Minh chứng có thể thấy là tại Sapa, địa hình đồi núi đã giúp hình thành nên các vùng du lịch nổi tiếng và phát triển du lịch. Hay như Nhà Hát lớn cùng với Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám tại Hà Nội là di tích lịch sử lâu đời, hàng năm thu hút rất nhiều khách thăm quan. Chính vì vậy, muốn phát triển hoạt động du lịch nói chung và bảo tồn, trùng tu các di sản nói riêng cần phải có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và giữ gìn môi trường, đặc biệt là môi trường tại di sản đó.
Tuy nhiên làm thế nào để gìn giữ môi trường di sản trong quá trình triển khai các hoạt động du lịch lại là bài toán không đơn giản. Ảnh minh họa. Nguồn: mystichalongbay.com
Tuy nhiên, một thực trạng đáng tiếc hiện nay cho thấy, cùng với việc nhiều di tích lịch sử - văn hóa và cảnh đẹp thiên nhiên của thế giới đang đứng trên bờ vực của sự hủy hoại, xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất thì việc môi trường du lịch gắn với khu vực đó cũng bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là môi trường tự nhiên (bao gồm đất, nước, không khí, cảnh quan và các nguồn tài nguyên phục vụ hoạt động sống của con người). Việt Nam có thể được coi là ví dụ điển hình cho một quốc gia đang phải đối mặt với hiện trạng này.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới dự báo mỗi năm nước ta mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do những cơ sở có hệ thống xử lý vệ sinh nghèo nàn và chất lượng môi trường cũng làm giảm đi sức cạnh tranh quốc tế. Vấn nạn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: sự quản lý lỏng lẻo của các cấp quản lý, ý thức kém của du khách và người dân, thiếu công nghệ phù hợp và tiên tiến trong công tác bảo tồn và trùng tu… Nhiều vụ việc phá hủy môi trường dẫn đến sự xuống cấp của cảnh quan thiên nhiên như nạn khai thác cát sạn quá mức trên sông Hương; ô nhiễm không khí, nguồn nước gần các di tích; tác động xấu từ các hoạt động lấn biển, cảng biển, nhiệt điện, nuôi thủy sản. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa thấy có nhiều biện pháp tích cực nhằm giải quyết tình trạng này.
Ảnh minh họa. Nguồn: tamky.com
Những năm qua, nước ta đã ban hành nhiều văn bản, đó chính là những căn cứ pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường di sản nói riêng như: Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung Ương lần thứ 7 Ban chấp hành TW Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Du lịch; Luật di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009…
Ngoài ra, kinh nghiệm thực tiễn của các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực và trên thế giới cũng cho thấy, trong bối cảnh môi trường trái đất đang gặp nhiều vấn đề do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, phát triển du lịch bền vững, song song với bảo vệ môi trường đã trở thành xu hướng tất yếu. Để đạt được mục tiêu này, nhiều quốc gia đã lựa chọn việc áp dụng cấp “nhãn sinh thái” cho các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm du lịch của mình, ví dụ như “Nhãn sinh thái” (EU Ecolabel) của châu Âu, “Lá cờ xanh” (Green Flag) của Anh, “Quả cầu xanh” (Green Globe) của Mỹ, “Nhãn xanh” (Eco Label) của Pháp, “Nhãn xanh” của Singapore… Những chương trình nhãn sinh thái này đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy triển khai các hoạt động thân thiện với môi trường, làm giảm đáng kể tác hại của du lịch tới môi trường ở các nước.
Thiết nghĩ trong tương lai, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo vệ di sản; nâng cao chất lượng quản lý, bảo tồn và bảo vệ môi trường của các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; gắn liền công tác bảo vệ môi trường với phát triển du lịch; đồng thời thu hút những chính sách đầu tư phù hợp cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại các di tích trên đất nước. Bởi khi môi trường các khu di tích, danh thắng được bảo vệ tốt sẽ giúp thu hút lượng du khách lớn hơn, nâng cao doanh thu; thúc đẩy hội nhập quốc tế một cách toàn diện và phát triển du lịch bền vững.