Các nhà nghiên cứu và đại biểu thăm hiện tường khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên.
PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, ấn tượng thứ hai của kết quả khảo cổ học năm 2016 là góp phần làm rõ thêm ra không gian chính điện Kính Thiên của thời Lê sơ và thời Lê Trung Hưng nó tiếp nối những thứ đó, nhưng thay đổi rất nhiều. Ví dụ thời Lê Trung Hưng người ta nghĩ là nhỏ nhưng cuối cùng những nghiên cứu ở đây cho thấy qui mô lại cực kỳ lớn. Theo ông, kết quả khai quật thăm dò khảo cổ học năm 2016, nhất là đường nước thời Lý đã làm rõ thêm những dự đoán trước đó. Chẳng hạn như trước đó giới nghiên cứu từng dự đoán rằng có thể Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý ở đây (khu vực đang khảo cổ số 9 Hoàng Diệu), nhưng khi nghiên cứu bên 18 Hoàng Diệu cũng có người giả thiết rằng khu Trung tâm có thể ở bên đó. Về những dự đoán này các nhà khảo cổ học cũng trăn trở và cũng thay đổi nhận định liên tục. "Có lúc tôi cũng nghiêng về nhiều ý kiến và cũng suy nghĩ mãi, về đường nước thì khó. Lần này kết quả củng cố nhận định rằng Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý là nằm ở khu vực trục chính tâm này"- ông Tín chia sẻ.
Ông Tín phân tích: Kết quả khai quật của năm nay khiến cho chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ nó gợi mở cho chúng ta rằng đây là trung tâm thời Lý, vậy thì kiến trúc mà chúng tã đã phát hiện nó chạy đến đâu, và nó tiếp tục bố cục như thế nào? Và khu giữa của thời Lý có kiến trúc cổng Đoan Môn không? Thời Trần ở đâu? Đồng thời với thời Lê sơ và thời Lê Trung Hưng thì chúng ta tiếp tục xem những qui mô, cấu trúc chi tiết và đồng thời là kiến trúc Đoan Môn của thời Lê sơ là chỗ nào?
Từ những phân tích ấy, chuyên gia khảo cổ học này khẳng định những gì mà chúng ta đã biết về không gian chính điện Kính Thiên nói riêng và Hoàng thàn Thăng Long nói chung từ các cuộc thăm dò khảo cổ- thực ra là vô cùng nhỏ. Bởi chúng ta cũng mới chỉ nghiên cứu về di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được 5 năm nay thôi. Trong khi đó để làm rõ Trung tâm Nara (Nhật Bản), người ta nghiên cứu 60 năm nay rồi, nếu kể cả lịch sử nghiên cứu, thì họ nghiên cứu từ cuối thế kỷ 19, tức là hơn 1 thế kỷ rồi. Chính vì vậy mà phải nghiên cứu dần từng bước. Và dự báo nếu triển khai thật nghiêm túc, tích cực, chủ động cũng phải mất hàng chục năm nữa mới có thể hoàn tất việc khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên và Hoàng thành Thăng Long.
Năm nay, các nhà sử học tiếp tục khẳng định tầng văn hóa của khu Đoan Môn – điện Kính Thiên kéo dài liên tục từ Đại La qua thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và phong phú hơn so với khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu Vườn Hồng. Nếu bên khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, tầng văn hóa hiện rõ nhất là Đại La, Lý, Trần, còn thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng mờ nhạt thì ở khu vực chính điện Kính Thiên các địa tầng văn hóa xuất hiện liên tục từ đầu đến cuối. Đặc biệt, địa tầng văn hóa Đại La xuất hiện rõ nét qua đợt khai quật lần này.
Như vậy, những phát hiện khảo cổ học của năm 2016 vừa khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian tới. Qua đó có thể thấy dấu tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được minh chứng rõ thêm, nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải nghiên cứu kiên trì, tổng thể và lâu dài.
(Theo Dân Sinh)