Hội thảo được tổ chức nhằm thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ thêm công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đây cũng là dịp để đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị vô cùng to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh; nhằm bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc, đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh GS. TS Lê Văn Lợi cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đã có những cống hiến xuất sắc, vạch đường, dẫn lối, thiết kế tương lai cho dân tộc Việt Nam. "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".
Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người; cho tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Các dân tộc tìm thấy trong di sản của Người một hướng đi thích hợp, một phương pháp cách mạng và khoa học cho cuộc đấu tranh vươn tới những mục tiêu cao cả của thời đại. Kiên định, vững vàng trên nền tảng di sản Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi ước nguyện của Người về "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
"Nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh để chúng ta có nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn giá trị to lớn di sản của Người đối với dân tộc và nhân loại, đồng thời, làm cho giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh ngày càng tỏa sáng, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại" - GS. TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được hơn 40 bài viết, báo cáo tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học của hai cơ quan, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Với cách tiếp cận phong phú, khách quan, khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ những giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, di sản Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng, có giá trị vĩnh hằng trong sự nghiệp đấu tranh giành dân tộc độc lập, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong công cuộc đổi mới hiện nay, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân loại.
Theo Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng PGS.TS Lý Việt Quang cho biết, di sản Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thức tỉnh dân tộc và nhân dân các nước thuộc địa vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại chủ nghĩa thực dân, góp phần vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiến tạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, một nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc. Người đã xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm huy động, tập hợp sức mạnh từ các lực lượng, phát huy cao độ các nguồn lực để xây dựng và chấn hưng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ sau giá trị di sản quý báu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với đặc điểm dân tộc và thời đại.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lý Việt Quang cũng khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khát vọng hòa bình, của tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Người đề xuất nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có các chế độ xã hội khác nhau, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng trên cơ sở hòa bình. Người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, giao lưu, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc".
Đồng quan điểm trên, TS Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, ngày nay, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường dẫn lối cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam giành thắng lợi. Di sản mang tính bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đối với dân tộc và thời đại, tiêu biểu và thực sự nổi bật cho đất nước chính là việc lựa chọn, tìm ra, thiết kế và xây dựng con đường độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới của đất nước thì tìm hiểu về di sản Hồ Chí Minh để thấy được những tư tưởng, luận điểm, quan điểm của Người về đường lối đổi mới đã góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần phải nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thực hiện tâm nguyện cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, một số tham luận khác khẳng định, cùng với kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, cần đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận di sản Hồ Chí Minh và cố tình tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Marx-Lenin, nhằm phủ định đi đến xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, hoặc chống phá, xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng dưới ngọn cờ dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Qua các tham luận của lãnh đạo cũng như từ đại diện các phòng chức năng của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho thấy việc sưu tầm, bảo quản, tuyên truyền, phổ biến và phát huy những hiện vật, tư liệu, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng, cần thiết, góp phần lưu giữ, truyền bá, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến lớn lao của Người đối với cách mạng Việt Nam và nhân loại, thời đại./.