Vào khoảng tháng 2/2014, UBND xã Đại Hưng cấp phép cho một chủ doanh nghiệp tư nhân sống tại thôn được khai thác cát tại bãi Nà ở bờ sông phía trước làng. Khu vực này vốn hàng chục năm qua là mảnh đất màu mỡ nơi người dân sản xuất trồng trọt rau màu, và làm nơi chôn cất người đã khuất.
Việc khai thác vô tội vạ này đã góp phần làm cho dòng chảy con sông phía trước thôn thay đổi, ngày càng ăn sát vào bờ. Trước tình hình trên, người dân thôn Đại Mỹ liên tục có những kiến nghị phản đối nhưng chính quyền xã không nghe. Cuối cùng, trước áp lực dư luận, UBND xã Đại Hưng buộc lòng phải dừng cấp phép hoạt động cho đơn vị khai thác cát.
Bà Phạm Thị Cúc (tay trái ảnh) cho biết việc sạt lỡ bãi Nà đã làm gia đình mất hơn 6 sào đất sản xuất
Tuy việc cấp phép khai thác cát đã dừng lại nhưng hậu hoạ của nó thì vẫn còn cho đến bây giờ. Bãi đất bao năm được người dân trồng trọt hoa màu theo con nước lũ trôi đi, mất đất sản xuất, người dân thôn Đại Mỹ rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Thanh niên trong làng di cư vào Nam làm ăn, người dân ở lại lay lắt mưu sinh qua ngày bằng việc vào rừng đốn củi, gỗ…
“Trước kia dòng sông ở tận tút bên kia, nhưng giờ nó ăn sát vào bên này làm mất hết đất làm ăn trồng trọt của người dân. Nhà mình thì mất 6 sào ở phía trước bãi cát ấy, giờ thì không thể trồng trọt chăn nuôi gì được nữa. Đợt lũ năm vừa rồi, cả 4 ngôi mộ của gia đình ở phía trước ấy cũng bị nước lũ cuốn trôi đi hết, không thể tìm ra được nữa”, bà Phạm Thị Cúc (56 tuổi, trú thôn Đại Mỹ), một trong những hộ thiệt hại nặng do việc khai thác cát , làm sạt lỡ bờ bải Nà kể lại.
Ngoài nguyên nhân khai thác cát vô tội vạ, tình trạng thuỷ điện thượng nguồn xả lũ ồ ạt vào mùa mưa cũng đã góp phần cuốn hết đất đai, hoa màu và thậm chí mồ mả của người dân tại thôn.
“Thuỷ điện xả lũ ghê quá, nhanh quá, lũ về nhanh khiến người dân trở tay không kịp, phải bám víu vào các cây các cột mà chống lũ. Đất đai cây cối lũ về nó ùa đi hết”, ông Trần Quang Đức, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đại Mỹ cho biết.
Thiếu vốn, công tác di dời gặp khó
Vào tháng 10/2014, trong chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm người dân thôn Đại Mỹ. Nhận thấy nguy cơ lũ đổ về có thể cuốn hết nhà cửa, đất đai người dân tại đây, Chủ tịch nước đã yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp khẩn cấp di dời người dân đến nơi ở mới.
Theo kế hoạch, toàn bộ các hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lỡ tại thôn Đại Mỹ sẽ được di dời vào khu Gò Dinh trước mùa lũ, thế nhưng hiện nay kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lí do.
Khu Gò Dinh vốn nằm ngay dưới chân mỏ than An Điềm, sau thời gian hoạt động, mỏ than An Điềm gây ra nhiều hệ luỵ, trong đó có việc khiến nguồn nước tại khu vực thôn Đại Mỹ bị nhiễm tạp chất buộc lòng UBND tỉnh Quảng Nam phải đóng cửa, ngưng hoạt động của mỏ than này. Cũng như vấn nạn khai thác cát ở khu bãi Nà, tuy đã đóng cửa nhưng hệ luỵ của mỏ than gây ra thì vẫn tồn tại đến bây giờ khi nguồn nước ngầm tại thôn Đại Mỹ đã bị nhiễm tạp chất trầm trọng.
Theo người dân phản ánh, tại khu Gò Dinh, nhiều mẫu nước khoan thử lên đều có váng dầu và có màu đen đục giống than đá.
Vấn đề nguồn nước chưa thể giải quyết được, cộng thêm đó là hệ thống công trình điện, đường trường trạm chưa thực hiện xong, thế nên kế hoạch di dời dân vào đây trước mùa mưa lũ đã trở nên không khả thi. Thêm vào đó, với con số hơn 270 hộ hiện nay của thôn Đại Mỹ, việc tập trung lượng lớn người dân vào khu định cư Gò Dinh có diện tích chỉ 3 hecta sẽ dẫn đến một hệ quả là các hộ dân sẽ thiếu đất chăn nuôi - công việc hiện nay đang là cứu cánh của người dân khi mà đất sản xuất hoa màu đã bị mất.
“Giờ chưa vô còn có cái bãi mà chăn thả bò, vô đây cái là bí rị luôn, không biết chăn nuôi chi luôn”, anh Trần Văn Tú (32 tuổi, trú ở thôn Đại Mỹ) than thở.
“Vô đây thì làm gì? Lấy chi ăn? Nước đâu mà uống, được cái gò để chống nước chảy về trôi đất ông đem ban đi rồi thì mùa lũ lấy gì mà ngăn nước xói đất chứ? Nước ở đây có khoan thử lên mấy lần mà toàn có váng dầu, các đoàn về kiểm tra lấy mẩu nước nhưng rồi chưa thấy có giải pháp gì cả. Vào đó thì chỉ có tránh được lũ thôi, chứ nước nôi, việc làm thì vẫn chưa an tâm chi cả”, ông Trần Quang Đức, chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đại Mỹ cho biết.
Qua trao đổi, bà Lưu Thị Thanh Hương, phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, hiện nay đã có 83 hộ được UBND xã phê chuẩn chuyển vào khu tránh lũ ở Gò Dinh, nhưng do nguồn kinh phí chưa trên chưa cấp về nên trước mắt chính quyền xã thực hiện công đoạn san lấp mặt bằng và đổ đường bê tông.
“Về việc xây dựng hệ thống nước sạch, UBND xã đã xin cấp trên. Trước mắt di chuyển người dân vào đó đã chứ việc ổn định công việc, đầu ra đầu vô chắc phải nhờ cơ quan cấp trên. Về vấn đề dân mất đất sản xuất, xã sẽ sắp xếp cho mượn đất 5%, rồi sẽ có kế hoạch chuyển đổi mô hình sản xuất cho bà con chứ quỹ đất cũng gần hết rồi nên xã cũng chịu”, bà Hương nói.
Trong khi kế hoạch di dời người dân vào khu tránh lũ đang gặp khó bởi nhiều nguyên nhân, mùa mưa bão đã đến, nguy cơ lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn phăng mọi thứ vẫn đang hàng ngày chiếm trọn tâm trí người dân thôn Đại Mỹ.