Dệt thổ cẩm của người Hrê là Di sản văn hóa phi vật thể

16/02/2019 09:11

Theo dõi trên

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (Xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nằm trong số 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt thứ XXVI.

 
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ đã tạo nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng và các sản phẩm khác làm từ thổ cẩm là những sản phẩm cần thiết cho sinh hoạt của các gia đình, giữ được nét văn hóa truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt.
 
 
Trang phục phụ nữ Hrê Ba Tơ, Quảng Ngãi 

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn thể hiện nét văn hóa truyền thống, trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt Hrê, được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển. Mỗi sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.
 
 
Trang phục của đàn ông Hrê Ba Tơ - Quảng Ngãi
 
Nghề dệt và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê ở Quảng Ngãi, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống của người Hrê. Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm là những họa tiết gắn liền với thiên nhiên núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân, các hình vuông xếp cạnh nhau. Màu sắc có đen, đỏ, trắng làm chủ đạo. 

Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi được hình thành từ rất lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Hrê.
 
 
Trang phục của người Hrê Ba Tơ biểu diễn các nhạc cụ dân tộc truyền thống
 
Trong những năm qua, nghề dệt thổ cẩm Hrê đã được các Sở, ngành và địa phương trong tỉnh khuyến khích, động viên và hỗ trợ về vật chất để phát triển nghề; Đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học và dự án bảo tồn nghề dệt thổ cẩm; tổ chức dạy nghề cho các thiếu nữ người Hrê trong làng và các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tích cực tham gia các cuộc liên hoan, lễ hội trong tỉnh và toàn quốc nhằm góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê.
 
 
Phụ nữ Hrê giã gạo trên nhà sàn truyền thống

Để có cơ sở bảo tồn và phát huy Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, huyện Ba Tơ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 
 
Phụ nữ Hrê đàn hát dân ca

Theo đó, 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt này, gồm:
 
1. Lượn Cọi của người Tày (Huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn);

2. Nghề rèn của người Nùng An (Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng);

3. Hò Cần Thơ (Huyện Thới Lai, quận Ô Môn, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ);

4. Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống (Xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên);

5. Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì (Xã Sín Thầu, xã Chung Chải, xã Sen Thượng, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên);

6. Lễ hội Chùa Bà Đanh (Xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam);

7. Hát Dậm Quyển Sơn (Xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam);

8. Lễ hội Làng Triều Khúc (Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội);

9. Nghề cốm Mễ Trì (Phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội);

10. Nghi lễ Mo Tham Thát của người Tày (Xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai);
 
11. Nghi lễ Then của người Giáy (Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai);

12. Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt (Xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ);

13. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê (Xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi);

14. Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer (Xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng);

15. Lễ hội Nghinh Ông (Thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng);

16. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ (Huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang);


17. Xường giao duyên của người Mường (Xã Cao Ngọc, xã Thạch Lập, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

Như vậy, hiện tại, cả nước đã có 288 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Nguyễn Đăng Lâm

Bạn đang đọc bài viết "Dệt thổ cẩm của người Hrê là Di sản văn hóa phi vật thể" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.