Đền tháp Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn - vẻ đẹp kỳ ảo và độc đáo giữa rừng thiêng

09/06/2024 08:54

Theo dõi trên

Khi đặt chân đến quần thể đền tháp Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ ảo và độc đáo giữa rừng thiêng. Khu Quần thể đền tháp Mỹ Sơn còn gọi là Khu “Di sản Văn hóa Mỹ Sơn”, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm cách thành phố Hội An 45 km về phía Tây và cách Đà Nẵng 70 km về phía Tây Nam. Nơi đây từng là trung tâm tôn giáo của vương quốc Chămpa trong suốt hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ IV đến cuối thế kỷ XV) và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12 năm 1999.

1-1717862201-1717897884.jpg
Lối vào Khu DSVH Mỹ Sơn.

Chuyến đi về Thánh địa Mỹ Sơn trong một ngày đầu hạ, chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như tranh vẽ. Con đường ngoằn ngoèo dẫn qua những cánh đồng lúa chín vàng với đàn cò trắng bay lượn nhấp nhô, thi thoảng lại thấy những nụ cười hiền hậu và cái gật đầu chào thân thiện của người dân địa phương.

Trước mắt chúng tôi, khu Thánh địa Mỹ Sơn hiện ra giữa lớp lớp tán rừng xanh mát, mang vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc. Bước vào bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc độc đáo như một cảnh sắc vừa thực vừa mơ. Khu đền tháp cổ này được coi là một "kho báu" của nền văn hóa Chămpa và của nhân loại.

Do những biến động lịch sử, cuối thế kỷ XV, người Chămpa rút về phía Nam, khiến Thánh địa Mỹ Sơn rơi vào quên lãng và bị cây rừng che phủ trong hơn 4 thế kỷ. Năm 1885, nơi đây mới được tình cờ phát hiện và được giới khoa học nghiên cứu, khám phá. Vào thời điểm đó, Thánh địa Mỹ Sơn còn tới gần 70 kiến trúc đền tháp, nhưng do sự tàn phá của chiến tranh và thiên tai nhiều công trình đã bị sụp đổ. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà sử học, khoa học, kiến trúc, Thánh địa Mỹ Sơn đang được bảo tồn và tu bổ kỹ lưỡng.

2-1717862234-1717897928.jpg
Một góc của Khu DSVH Mỹ Sơn.

Văn bia tại khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn cho thấy lịch sử của khu vực này bắt đầu từ những ngôi đền gỗ vào thế kỷ thứ IV. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị cháy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ thứ VII, Vua Sambhuvarman đã dùng gạch xây dựng lại ngôi đền và tồn tại đến ngày nay. Sau đó, các triều vua kế tiếp xây mới và tu bổ để thờ các vị thần, trong đó những đền thờ chính thờ thần Shiva, Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa.

Do thiên tai và chiến tranh, khu Di sản Văn hóa chỉ còn giữ lại được khoảng gần 20 tháp. Tuy nhiên, các tài liệu bia ký, kết quả khảo cổ và dấu tích vật chất còn lưu lại tại Mỹ Sơn và một số bảo tàng trong nước vẫn đủ để người ta cảm phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu của các nhà khoa học.

Qua hàng chục năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh rằng các kiến trúc ở khu Di sản Văn hóa Mỹ Sơn được xây dựng bằng gạch đã nung sẵn, được gắn kết bằng nhựa thực vật từ rừng núi trong vùng. Loại nhựa này, được lấy từ cây dầu rái (Dipterocarpus Alatus), có độ kết dính cao và không thấm nước, giúp các viên gạch gắn kết với nhau vững chắc.

Một điểm đáng chú ý nữa là toàn bộ khu di tích Mỹ Sơn được bao quanh bởi rừng cây tươi tốt, tạo nên cảnh trí hoang sơ và linh thiêng. Khi đứng trước những di tích còn lại của một nền văn hóa xa xưa, du khách không khỏi ngạc nhiên và xúc động trước vẻ đẹp cổ kính của khu tháp cổ ẩn hiện trong rừng xanh.

3-1717862261-1717897966.jpg
Một góc của Khu DSVH Mỹ Sơn.

Mỹ Sơn xưa kia là nơi tập trung lăng mộ của các vị vua Chămpa và hoàng tộc, nơi thường diễn ra các lễ cầu nguyện cho các bậc tiên đế sau khi băng hà có thể tiếp cận thần linh. Lịch sử hình thành và phát triển khu đền tháp Mỹ Sơn đã trải qua hàng nghìn năm với hơn 70 đền tháp từng hiện diện, dù qua nhiều biến động, số đền tháp nguyên vẹn còn lại không nhiều.

4-1717862296-1717898005.jpg
Những cổ tháp hoang tàn đổ nát.

Du khách đến Mỹ Sơn sẽ được ngắm nhìn vùng quê êm ả với những cánh đồng lúa chín vàng, ngọn núi Chúa cao vời vợi, những tháp Chàm cổ kính, và các tượng đá có hình vũ nữ uyển chuyển trong điệu múa Apsara. Đi theo lối mòn bên những đống đá, gạch đổ nát, du khách sẽ mải mê ngắm những tượng vũ nữ hay những vị thần được khắc trên gạch hoặc đá. Giữa thung lũng Mỹ Sơn u tịch, những ngôi đền tháp thiêng trầm mặc gợi bao hoài cảm về thời hào hùng xưa.

7-1717862377-1717898048.jpg
Du khách tham quan Khu DSVH Mỹ Sơn.

Khi những tia nắng chiều về yếu ớt xuyên qua tán lá, phủ mờ những cổ tháp rêu phong, du khách phải tạm biệt Mỹ Sơn. Trong tiếng gió rì rào, nhịp trống ghinăng, paranưng; kèn saranai, đàn kanhi từ điệu múa Chămpa vẫn vang lên, khiến lòng du khách thêm bồi hồi và lưu luyến và hẹn ngày trở lại./.    

Tiên Sa
Bạn đang đọc bài viết "Đền tháp Chămpa tại Thánh địa Mỹ Sơn - vẻ đẹp kỳ ảo và độc đáo giữa rừng thiêng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.