Đền Làng Hiếu - Hùng thiêng một cõi (Bài 1)

06/03/2021 17:16

Theo dõi trên

Trong tâm thức người Cửa Lò (Nghệ An), ngư dân Nghi Hải thì đền Làng Hiếu trở thành một nếp sống tâm linh. Nói vậy để biết rằng, đền Làng Hiếu không chỉ là chỗ dựa tinh thần, nơi đây còn cất giấu nhiều giá trị đủ để gọt giũa, phác thảo cho hậu thế ngưỡng vọng...

Giai thoại gần 300 năm
 
“Hiếu Thọ danh hương sở thạch hòa
Lộc Châu thắng cảnh giữ đồ...”

Tạm dịch: “Làng Hiếu Thọ danh tiếng vững như bàn thạch
Xã Lộc Châu cảnh đẹp mãi cơ đồ...”



Đền Làng Hiếu (khối Hải Lam, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), tồn tại hàng trăm năm với nhiều giai thoại, truyền thuyết. Là chỗ dựa tinh thần, cất giấu nhiều giá trị đủ để gọt giũa, phác thảo cho hậu thế ngưỡng vọng. Ảnh: N.D

Theo “Lịch sử Đảng bộ Phường Nghi Hải”, 6 sắc phong lưu tại di tích và theo lời kể của các cụ cao niên tại địa phương thì đền Làng Hiếu được xây dựng để thờ: Bản cảnh Thành hoàng và Cao Sơn Cao Các. Do điều kiện chiến tranh, các đền chùa ở địa phương bị hạ giải để phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước (làm hầm tránh bom, trạm xá, trường học, nhà kho…) nên đền Làng Hiếu trở thành nơi bảo quản các đồ tế khí và hợp tự các vị Phật, Thánh, Thần trong địa bàn xã Lộc Châu, Lộc Hải xưa. Hiện nay, ngoài thờ chính là Bản cảnh Thành hoàng, Cao Sơn Cao Các, tại đền Làng Hiếu còn phối thờ các vị: Tam tòa thánh mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Cá Ông, Phật.

Theo “Đại Việt sử ký” của Lê Quý Đôn hay “Đại việt lược sử” của Trần Trọng Kim và các tư liệu lịch sử về Nghệ An của Trần Huy Liệu, từ thể kỷ thứ X đến thể kỷ thứ XIV, Cửa Hội là một trong những cửa lạch có nhiều thuyền trong và ngoài nước qua lại buôn bán, đánh bắt hải sản. Nơi các vương triều quốc gia Đại Việt đều quan tâm xây dựng, phòng thủ hai cửa sông này để bảo vệ đất nước. Tướng sĩ đã từng yên nghỉ bởi những trận chiến ác liệt trên mảnh đất này. Cửa Lò và Cửa Hội là nơi giàu tài nguyên hải sản. Cư dân phần lớn từ phía Bắc và phía Nam đến. Các cụm dân cư được hình thành từ thể kỷ thứ XIV về sau đều bắt nguồn từ công tác khai khẩn đất hoang và đánh bắt hải sản của cư dân nhiều nơi khác đến sinh sống. Từ đó, người dân nơi đây đã lập nên các đền chùa, miếu mạo để thờ phụng như: chùa Hói Trai thờ phật, điện Tam Tòa thờ đức thánh mậu, miếu cá ông thờ “cá ông” và đền làng Hiếu.

Căn cứ vào sắc phong của vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (tức là năm 1784 Dương lịch) thì đền Làng Hiếu đã có cách đây 228 năm vào giữa thể kỷ thứ 17. Sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1925) có nêu: (Cao sơn cao các… Tôn thần nguyệt tằng phù linh… bán cánh thành hoàng đại vương tôn thần hộ quốc…). Dựa vào nội dung 6 đạo sắc phong này ta có thể khẳng định đền Làng Hiếu phụng thờ một vị đại thần có công giúp nước và khai khẩn đất hoang lập nên làng và các triều đại giao cho cư dân hai xã Lộc Châu và Lộc Hải thờ phụng tại đây.
 




Những ngôi mộ cá Ông (cá voi) được táng tại đền. Là tín ngưỡng của ngư dân Nghi Hải, nét đẹp trong văn hóa tâm linh mang tính nhân bản, hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp, đầy ắp tình người. Ảnh: N.D 

Thần tích

Năm Nhâm Dần 1782, vùng đất Cửa Hội xuất hiện bệnh dịch tả hoành hành, các thầy lang trong vùng đều bó tay, bất lực trước bệnh dịch. Rất đông người dân vô tội đã chết, những người còn lại lập đàn kêu trời. Khi đó, bỗng có một vị thầy lang đi qua, cứu chữa cho nhân dân một cách thần kỳ. Sau khi bệnh dịch được dập tắt, người này cũng biến mất không để lại danh tính. Tuy nhiên, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vị ân nhân này, nhân dân đã tôn ngài làm bản cảnh Thành Hoàng và dựng đền Làng Hiếu để thờ phụng. Hiện nay chưa rõ tên tuổi, quê quán và hành trạng của thần như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ vào sắc phong và truyền thuyết lưu truyền tại địa phương kể lại rằng: Vào năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1782), trấn Nghệ An bị dịch tả hoành hành, nặng nhất là vùng Vạn Lộc, Cửa Hội. Đây là vùng có mật độ dân số cao, thói quen sinh hoạt kém vệ sinh nên dịch bệnh phát triển mạnh. Khắp các xóm làng đâu đâu cũng có người chết vì bệnh dịch tả, thậm chí có những gia đình dịch tả giết chết không còn một ai. Dân làng lập đàn trừ ôn hoàng dịch lệ nhưng vẫn không có hiệu quả. Khi đó, bỗng có một thầy lang đi qua và đã ra tay cứu chữa cho nhân dân trong vùng và các vùng xung quanh. Dịch bệnh được đẩy lùi, sự sống lại được hồi sinh. Sau khi bệnh dịch được dập tắt thì không thấy thầy lang đâu nữa. Ông chữa bệnh cho dân bằng tất cả tấm lòng của một lương y mà không hề lấy tiền của bất cứ ai và cũng không cho biết họ tên. Do đó, nhân dân trong làng không biết ông tên tuổi là gì, quê quán ở đâu. Người nói ông họ Trương ở Diễn Kỷ (Diễn Châu), người thì nói ông họ Phạm ở Nghi Thiết; người thì nói ông họ Hoàng ở Nghi Tân; người thì lại cho ông là người họ Nguyễn ở Nghi Hợp... Về sau, dân làng tưởng nhớ đến công ơn của ông nên đã lập đền thờ. Phàm trong làng ai ốm đau, bệnh tật đến cầu đảo đều được linh ứng.

Thần tích thờ cá Ông được các cụ cao niên trong vùng Cửa Hội kể: Vùng Cửa Hội thường xuất hiện một cá Ông to như chiếc tàu. Nhiều lần biển động ghe thuyền đánh cá gặp nguy hiểm, ông thường đến cứu giúp. Cá Ông kê lưng đỡ thuyền lướt qua sóng gió hãi hùng và đã cứu vớt được nhiều ngư dân gặp nạn. Khi “Ngài” mất, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng đến 30 đôi chiếu mới để đắp di hài mà không hết.

Theo tục lệ của dân đi biển thì ai phát hiện được cá Ông mắc cạn, tục gọi là "ông lụy" thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Vì vậy, người đầu tiên phát hiện ra xác cá Ông được gọi là trưởng nam và khi tổ chức tang lễ phải mặc trang phục như một người con trai trưởng tổ chức đám tang cho cha mình. Toàn bộ những nghi lễ liên quan đều phải được thực hiện dưới quy mô của làng vạn. Nếu cá Ông nhỏ chết, người ta gọi là thai sẩy và gọi là thần cô, thần cậu để tỏ sự tôn kính. 


Cũng có truyền thuyết cho rằng, đền thờ được lập nên xuất phát từ câu chuyện về người lái buôn bị một tên cướp hãm hại, cướp tàu ném người xuống biển. Nhưng nhờ cá voi cứu giúp đưa vào bờ biển Cửa Hội nên người này đã thoát nạn. Để nhớ ơn cá voi, người lái buôn đã lập miếu thờ - theo truyền ngôn thì đây là ngôi miếu thờ cá voi nằm trên nền đất cũ của đền Làng Hiếu trước ở sát biển nay đã bị biển ăn lấn. 

Nguyên xưa, mộ của cá Ông được chôn và thờ tại đền cá Ông làng Đông Bể (nay thuộc khối Hải Đăng, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò). Đến năm 1954 đền bị phá. Sau khi đền Làng Hiếu được tôn tạo lại, nhân dân địa phương đã rước ngài về phối thờ tại đền, đồng thời đưa các ngôi mộ cá ông về đền Làng Hiếu như ngày nay. (Cá Ông thực chất là cá Voi, là một loài cá khổng lồ, sinh sống ở biển khơi. Theo quan niệm của ngư dân, cá Voi thường đến cứu giúp khi các thuyền bè gặp nạn. Vì vậy, người dân ven biển đặc biệt là những người dân sống bằng nghề đánh cá, đi biển... rất tôn sùng cá Voi. Họ xem cá Voi như một vị cứu tinh, vị thần bảo vệ và suy tôn cá Voi với nhiều tên hiệu cao quý như: Ngư Ông, Ông Nam Hải, ông Chộng, ông Lộng, Ông Khơi, Nam Hải Đại tướng quân).

Còn tiếp...
 
Nguyễn Diệu

Bạn đang đọc bài viết "Đền Làng Hiếu - Hùng thiêng một cõi (Bài 1)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.