Đền Hồng Sơn: Nơi hội tụ giá trị lịch sử văn hóa tâm linh

14/07/2017 14:54

Theo dõi trên

Đền Hồng Sơn tọa lạc trên vùng đất đẹp giữa trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đền là một trong những khu di tích, có quy mô đồ sộ, hội tụ nhiều công trình kiến trúc đẹp của thời Nguyễn. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương gần xa mà còn là nơi gửi gắm tâm linh của người dân xứ Nghệ.



Tổng thể đền Hồng Sơn

>> Chung tay bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Đức Thánh Hoàng Mười ở Nghệ An


Dấu tích lịch sử


Theo sách ''An tĩnh xưa'' và các văn bản còn lưu giữ tại di tích, đền Hồng Sơn trước đây là võ miếu Linh Từ, được xây dựng vào thời Nguyễn để thờ phụng Quan Vân Trường - vị tướng tài ba trung nghĩa thời Tam Quốc. Người có công giúp Lưu Bị gây nên nghiệp đế lập ra nhà Thục, ông đươc nhân dân tôn là vị Thánh.

Đất nước Việt Nam là một dân tộc có tinh thần thượng võ, trọng đạo lý, trọng nghĩa tín nên đã thờ ông với tư cách người đứng đầu hàng võ quan thời bấy giờ. Và tiếp đó một vị tướng thời nhà Trần được phụng thờ tại đây để xứng danh là một võ miếu đó chính là Trần Hưng Đạo. Tại Đền còn lưu giữ được 3 văn bia khắc bằng chữ Hán Nôm, phần mở đầu của bia ghi rõ lịch sử Đền: Đền được bắt đầu xây dựng vào năm Minh Mệnh 12 (1831), do quan phiên Trấn ở Lỵ  là ông Nguyễn Đình Hưng xây dựng…”.

Đền Hồng Sơn còn có tên gọi là đền Nhà Ông, thời Pháp thuộc, phía bên kia đường Nguyễn Công Trứ, sát cạnh di tích có hội quán Hoa Kiều, trong khuôn viên hội quán có đền Nhà Bà nên nhân dân thường gọi là đền Nhà Ông để dễ phân biệt.

Trải qua bao biến cố của lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong 2 cuộc chống Pháp và chống Mỹ, thành Phố bị đạn bom tàn phá. Số di tích, di sản văn hóa của ông cha để lại bị phá hủy gần như hoàn toàn, tuy nhiên Đền Hồng Sơn vẫn tồn tại và cơ bản vẫn được giữ nguyên dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn.

Đền Hồng Sơn đã trở thành nơi, quy tụ các thần linh (Vua, Mẫu, Phật, Thánh ) ngự ở các đền, chùa trong thành phố Vinh và vùng phụ cận đã bị hư hỏng cũng về đây tạo nên sự đa dạng theo quan niệm dân gian của người Việt Nam.

Trong năm 1982, phường Hồng Sơn được thành lập và di tích võ miếu Đền nhà Ông lúc bấy giờ lấy tên địa danh phường nên tên đền Hồng Sơn ra đời từ đó. Năm 1984, Đền Hồng Sơn được nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia.   
 


Bia đá cổ trong đền 



Chính Điện đền Hồng Sơn

Giá trị văn hóa tâm linh

Đền Hồng Sơn là ngôi đền cổ còn giữ nguyên được kiến trúc, tượng tháp cổ nguyên gốc, nguyên vẹn nhất trong vùng. Du khách được chiêm ngưỡng những hiện vật gốc có giá trị: Tượng pháp sắc phong thư tịch, những cây Đại, cây Sanh, cây Sung có độ tuổi gần 200 năm và các loại cây xanh khác vẫn được chăm sóc từng ngày. Tuy đền sát đường gần chợ nhưng vẫn giữ được không khí tĩnh mịch trong lành, vừa sâu lắng, vừa linh thiêng của chốn đền đài.

Bước vào đền ta gặp ngay hồ bán nguyệt án ngự trước lúc vào cửa hai bên. Hồ nằm trong khuôn viên của đền vừa có tác dụng điều hòa không khí, vừa như chiếc gương soi, trong hồ còn có hòn non bộ tạo nên chiều sâu tĩnh lặng thư thái tâm hồn. Đặc biệt trong hồ còn có mạch nước ngầm luôn luôn chảy, dù hạn hán lâu ngày.

Trung Điện của đền là phần sáng giá nhất của công trình kiến trúc mang dấu ấn thời Nguyển. Phía trước là sân trong, nối Hạ Điện và Trung Điện để lấy ánh sáng trời và điều hòa không khí. Mái chồng diêm chắc khỏe tạo dáng dấp cổ kính. Cả hai ngôi nhà Trung Điện và Hạ Điện đều có tuổi thọ gần 200 năm. Và cả hai nhà Hậu Hiền bên phải và trái được xây dựng sát Trung và Hạ điện tạo nên sự hài hòa ấn tượng trong khu di tích.

Đi sâu vào trong di tích, phía trong của Đền là Thượng Điện nơi đây là chốn nổi tiếng linh thiêng, bàn thờ chính giữa gồm tượng Quan Thánh Đế Quân (Quan Vân Trường), hai bên là tướng Châu Xương - Quan Binh. Bàn thờ giữa (bên ngoài) gồm tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào - Bắc Đẩu. Bàn thờ bên tả (phía đông) gồm: Tượng Trung Thiên Tinh chúa và hai tướng tả hữu. Bàn thờ bên Hữu (phía tây) gồm: Tượng Thái Thượng Lão Quân và tả văn, hữu võ. Bàn thờ xây hai bên, sát cửa vào Thượng Điện, bên hữu trưng bày các bài vị bách gia trăm họ và bức tượng đá (cổ vật): "Lão Lâm Tri chinh phục núi rừng"; Bên hữu trưng bày mũ miễn tế lễ của các vị tướng (cổ vật). Hai bên ngoài thềm của Thượng Điện đặt hai tượng lớn đúng gác là hai vị thần Thanh Tra và Giám Sát.

Tại Trung Điện, bàn thờ tập trung ở chính giữa Điện, bàn thờ (trong cùng) thờ tượng Hùng Vương (người có công dựng nước Việt Nam). Bàn thờ hai (từ trong ra) thờ tượng Đức Thánh Trần và Yết Kiêu, Dã tượng. Bàn thờ ba, thờ hai vị tướng nhà Trần là Trần Bình Trọng và Phạm Ngũ Lão. Bàn thờ bốn, đặt ở phía đông Trung Điện là nơi thờ Đệ Nhị Vương Cô (con gái Đức Thánh Trần là vợ Phạm Ngũ Lão) và hai Thị Nữ.

Tại Hạ Điện (thờ ở 3 dòng). Dòng giữa: Bàn một (trong cùng) thờ tượng Tứ phủ Vạn Linh (bốn vị thàn cai quản đất, trời). Bàn thờ hai (trong ra) thờ ba tượng: Tam Tòa Thánh Mẫu. Dòng Tả (phía đông) thờ ba tượng: Bạch Y Công Chúa và hai Thị Nữ. Bàn hai (trong ra) thờ Ông Hoàng Mười và hai Thị Vệ. 

Dòng Hữu (phía tây) là Cung Sơn Trang, thờ 15 tượng thần trong Động Sơn Trang. Hai bên ngoài thềm Tào Hạ Điện là hai Pháp Miếu Hộ pháp: Tả Tinh Quan, Hữu Linh Tướng để bảo vệ Đền - Hai pho tượng to hơn người thật, trông oai vệ. Quan văn mặc áo Phượng, Quan Võ mặc áo Hổ, biểu hiện sự linh thiêng. Quyền lực của hai vị là kiểm soát và cho phép khách thập phương vào Đền. Về phần âm hai vị Hộ Pháp ngăn giữ các vong linh khác không được thờ phụng và ngũ quỷ không được cho vào Đền.

Ai đã từng đến đền Hồng Sơn, Nghệ An hẳn không thể quên được cảnh sắc ngôi đền với sự yên bình và thanh tịnh của một chốn linh thiêng ngay tại thành phố Vinh. Đền là địa điểm tham quan tâm linh cho người dân địa phương và du khách thập phương, gửi gắm ước nguyện của mình với  các bậc Phật, Tiên, Thánh.
 
Thu Hiền

Bạn đang đọc bài viết "Đền Hồng Sơn: Nơi hội tụ giá trị lịch sử văn hóa tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.