Đến Côn Đảo thăm Chị Võ Thị Sáu

09/07/2016 09:03

Theo dõi trên

Lần đầu tiên đến vùng đất thiêng Côn Đảo, vừa đặt chân xuống sân bay Cỏ Ống, lòng tôi đã cảm thấy lâng lâng khó tả, vì cả trời đất, rừng cây, biển, núi bao quanh như hòa quyện vào nhau tạo thành một bức tranh kỳ vĩ, êm đềm và thơ mộng giữa ngàn trùng đại dương.

Ấn tượng đầu tiên đối với tôi khi đặt chân đến Côn Đảo là sự yên bình, xung quanh toàn là núi, rừng và biển cả mênh mông. Đồi núi chiếm đến gần hết diện tích tự nhiên, tạo thành một màu xanh huyền thoại. Với diện tích 76 km2 và gần 6.000 dân, huyện Côn Đảo hôm nay đã bừng lên một sức sống mãnh liệt. Hầu hết đường sá, nhà cửa, cơ quan, nhà nghỉ, khách sạn, các khu di tích, bãi tắm … đều khang trang, sạch, xanh, đẹp và điện nước tiện nghi. Mạng lưới đường bộ chia làm ba ngả tỏa đi các hướng cùng với 11 tuyến đường phân ô thành bàn cờ trông thật đẹp mắt.



Di tích cầu Ma Thiên Lãnh – Côn Đảo – Nơi 356 người tù lao dịch khổ sai đã ngã xuống.

Ngày nay, Côn Đảo ngoài “ thiên đường du lịch ” còn được coi là một vùng đất tâm linh, một khu di tích lịch sử, nơi ngã xuống của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nơi đây còn là trường học cách mạng vĩ đại cho mọi thời đại, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau.

Một lần đến nghĩa trang, anh tài xế xe ôm hỏi tôi có cần đến đốt nhang cho cô Sáu vào nửa đêm không? Thấy tôi hơi ngạc nhiên, anh ấy tiếp: “ Ở đây bà con coi cô Sáu như một vị phúc thần nên nhiều người đã đến mộ cô cúng bái vào lúc nửa đêm. Họ nghĩ rằng về đêm, âm khí thịnh, hồn thiêng cô Sáu sẽ về chứng giám…” Người trông coi nghĩa trang cũng nói với tôi : “ Hơn hai năm nay, đêm nào cũng có nhiều tốp người mang nhang đèn và lễ vật vào cúng bái ở mộ cô Sáu. Họ rất thành tâm ”.




Nhà tù biệt lập – Chuồng cọp thời Pháp thuộc.

Sau ngày hòa bình, họa sĩ Tô Dự ở Cần Thơ có dịp đến đây và tình cờ phát hiện trên đầu mộ anh hùng Võ Thị Sáu một chiếc khăn tay màu trắng, viền chỉ đỏ rất đẹp. Hiện ông còn cất giữ làm kỷ niệm. Điều đó chứng tỏ có ai đó, người thân hoặc khách tham quan vi lòng kính phục đã tặng cho cô chiếc khăn tay nầy. Khăn tay cũng là một biểu tượng từ biệt và chia ly.

Ngoài ra, người dân Côn Đảo cũng rất sùng bái bà Phi Yến. Tương truyền bà là thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Một lần đến đây vì phản đối việc Nguyễn Ánh đưa hoàng tử sang Pháp làm con tin để cầu viện nên bà bị giam vào hang đá. Sau đó bà được nhân dân cứu sống nhưng cuối cùng bà đã tự tử để bảo toàn danh tiết. Từ đó đến nay, nhân dân đã lập miễu thờ bà, khách hành hương vào cúng bái, ngày đêm khói hương nghi ngút .

Riêng tại Côn Đảo, từ năm 1862, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống nhà tù tàn bạo chưa từng thấy. Đến thời Mỹ ngụy, nhà giam kiểu Mỹ lại càng ghê rợn hơn. Đến Côn Đảo, chúng ta không khỏi kinh hoàng mỗi khi đi ngang qua các phòng giam, các xà lim, phòng biệt lập chuồng cọp và các sở tù đã đày ải tù nhân làm lao dịch khổ sai. Chỉ riêng nghĩa trang Hàng Dương cũng đủ nói lên tội ác của kẻ thù và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các liệt sĩ, trong đó có nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Tiếp đến là hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản đã bị lưu đày trong một địa ngục trần gian khét tiếng nhưng vẫn giữ tròn khí tiết.




Khách du lịch cúng và lễ bái tại mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Giờ đây, chiến tranh đã đi qua, nhưng bao nỗi đau thương vẫn còn đọng lại trên từng tất đất, từng gốc cây, ngọn cỏ mà mỗi lần đến viếng nghĩa trang, các khu tưởng niệm và các trại tù Côn Đảo, nhất là những nấm mồ vô danh, chúng ta không sao ngăn được cảm hoài. Nhìn tấm bia tưởng nhớ 914 tù nhân tại cầu tàu Côn Sơn trước nhà chúa đảo và bia tưởng niệm 356 tù nhân xây cầu Ma Thiên Lãnh đã bỏ mạng vì phải lao dịch khổ sai càng làm cho chúng ta thêm bùi ngùi.

Chính vì Côn Đảo là nơi yên nghỉ của nhiều anh hùng liệt sĩ, là vùng đất thiêng, gợi lên bao niềm thương tiếc, kính mến nên đa số khách tham quan khi đến viếng nghĩa trang đều đốt hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, hằng năm cứ đến Ngày thương binh liệt, nghĩa trang Hàng Dương đã đón nhận nhiều bộ đội, chiến sĩ công an, bà mẹ VNAH, thân nhân của liệt sĩ và nhân dân lao động tụ hội về tưởng niệm và tri ân các đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tư do.

Trong xu thế hiện nay, khách tham quan du lịch ngoài việc vui chơi, giải trí, ăn uống và khám phá, họ còn muốn nghe tiếng vọng về từ quá khứ, một thứ âm vang mà chỉ có trái tim con người mới nghe được. Đó chính là du lịch tâm linh.

Côn Đảo còn có tên là Côn Lôn, một mảnh đất bi hùng trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Lần giở lại những trang sử oai hùng, thuở ông cha ta đóng thuyền ra khơi, hăm hở hướng về Côn Lôn, một trong 16 hòn đảo ngọc ở Đông Nam tổ quốc để ra sức khai hoang, lập làng. Mãi cho đến khi giặc Pháp xâm lăng, xây dựng nhà tù, Côn Lôn mới biến thành “địa ngục trần gian”.

Chính nơi đây, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã thiết lập một hệ thống nhà tù nham hiểm nhất để giam cầm, tù đầy hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam. Giờ đây, chỉ sau 38 năm xây dựng hòa bình, Côn Đảo đã trở thành một hòn đảo du lịch đầy ấn tượng.

(Theo nld.com.vn)

HOÀI VŨ
Bạn đang đọc bài viết " Đến Côn Đảo thăm Chị Võ Thị Sáu" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.