Đền Chín Gian của người Thái ở Thanh Hóa

20/07/2022 17:00

Theo dõi trên

Đền Chín Gian, thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa nơi thờ chín mường người Thái ở Thanh Hóa và Nghệ An.

288880731-2350539785086717-66384975570191499-n-1658306930.jpg
Đền Chín Gian, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa)

Ngôi đền được xây dựng trên ngọn núi gọi là Pú Pỏm. Kiến trúc mô phỏng nhà sàn người Thái. Đền hoàn thành vào năm 2018 dựa theo ký ức về một ngôi đền cũ cũng như tập tục cúng tế và lễ hội của cư dân bản địa.

Thông tin từ chính quyền xã Thanh Quân thì ngôi đền mới này xây trên nền đền cũ có mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng lấy từ nguồn xã hội hóa và ngân sách địa phương. Đây được coi là địa chỉ tâm linh gắn liền với tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Thái huyện Như Xuân, Thường Xuân (Thanh Hóa) và Quỳ Châu - Nghệ An).

chin-gian-4-1658306931.jpg
Gian thờ trời, theo tín ngưỡng dân gian của người Thái bản địa thì linh hồn từ mường Then (trời) về đầu thai làm người, khi chết lại về trời
chin-gian-5-1658306931.jpg
Gian thờ nàng Sỉ Đả, con gái nhà trời

Ngôi đền mới gồm 2 tầng. Tầng trên đặt bàn thờ Pỏ Phạ (ông trời), Tạo Lò Ỳ, người có công khai bản lập mường và nàng Sỉ Đả.

chin-gian-1-1658306930.jpg

Theo truyền thuyết thì nàng là con gái của nhà trời đầu thai xuống trần gian và là người có công giúp đỡ làng bản. Đền còn đề bàn thờ các mường người Thái ở Như Xuân, Thường Xuân và 3 mường ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Tầng dưới đặt bàn thờ các anh hùng liệt sỹ của các xã, thị trấn trong huyện Như Xuân. Dưới chân núi còn đặt một bức tượng Phật lớn hướng mắt về cánh đồng lúa thôn Thống Nhất.

chin-gian-5-1658306931.jpg
Bàn thờ Mường Chai. Mường người Thái này thuộc phạm vi xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, Nghệ An
chin-gian-6-1658306932.jpg
Chín con trâu đá trước đền làm nên điểm độc đáo của địa chỉ tâm linh

Trước ngôi đền là 9 con trâu gồm 6 trâu đen, 3 trâu trắng. Từ kết cấu ngôi đền đến cách bài trí những con trâu đều tương tự đền Chín Gian ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Cả hai ngôi đền đều thơ trời, Tạo Lò Ỳ, nàng Sỉ Đả.

chin-gian-8-1658306932.jpg
chin-gian-9-1658306931.jpg
Ngôi đền còn là nơi thờ tự các anh hùng liệt sỹ trên địa bàn huyện Như Xuân

Tài liệu của chính quyền sở tại nói rằng, trước kia đền có cấu trúc như ngôi nhà sàn 9 gian. Vào lễ hội, người Thái các mường tề tựu về dâng lễ vật thờ thần, trời đề cầu mưa thuận gió hòa. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng 6 âm lịch. Từ năm 1944, lễ hội không còn được tổ chức.

chin-gian-10-1658306931.jpg
Tượng Phật phía ngoại vi ngôi đền với mục đích để thu hút thêm du khách thập phương
chin-gian-7-1658306931.jpg
Đền Chín Gian xã Thanh Quân, huyện Như Xuân đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích văn hóa

Từ khi có ngôi đền mới, lễ hội cũng được phục dựng và tổ chức vào 23, 24 và 25 tháng giêng âm lịch. Đây được xem là hoạt động văn hóa tinh thần của cư dân Thái ở Như Xuân, Thường Xuân và 3 xã Châu Nga, Châu Hội và Châu Thuận huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Ngôi đền đã được xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh.

Hữu Vi
Bạn đang đọc bài viết "Đền Chín Gian của người Thái ở Thanh Hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.