Đền Cả (Lộc Hà, Hà Tĩnh): Công trình kiến trúc cổ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo thời Hậu Lê

21/02/2024 14:19

Theo dõi trên

Đền Cả còn có tên là đền Cả ích Hậu, đền Tam tòa Đại vương, đền Tam Lang, trước thuộc làng Kẻ Ngật, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

z5178862182471-2198fa234ad27a7c6d64094738f18442-1708489097.jpg
Người dân đến làm lễ cầu an đầu năm tại đền Cả (Ích Hậu). Ảnh: BC

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI, công cuộc phục hưng đất nước ta thu được nhiều thành tựu rực rỡ, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Các triều đại phong kiến đặc biệt chú ý đến vai trò “tiền đồn”, “phên dậu” phía Nam của Tổ quốc ở vùng Nghệ Tĩnh. Nhà Lý, nhà Trần đã cử vào đây nhiều Hoàng tử, Hoàng thân, đại thần để lo việc ổn định tình hình, tổ chức mở mang vùng “biên viễn” quan trọng này.

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là Hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ đã giữ chức Tri châu nhiều năm ở xứ Nghệ. Từ năm Canh Ngọ (1030) đến năm Bính Tý (1036) Lý Nhật Quang cùng hai vương hầu khác của nhà Lý là Lý Đạo Thành, Lý Thái Giai đã hướng dẫn nhân dân vùng tây nam Hồng Lĩnh khai hoang lập nên một số làng, trong đó có làng Kẻ Ngật, đến đời Lê làng này đổi tên là làng Ích Hậu. Để tưởng nhớ công ơn đó, nhân dân đã lập đền thờ trên nền đất mà ông đã đóng quân gọi là “Tam tòa Đại vương”. Về sau đền còn thờ thêm hai công thần nhà Trần là Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư.

Nói về sự tích Đền Cả, có truyền thuyết kể rằng ngày xưa có người con gái đẹp như tiên giáng trần xuống tắm sông Kênh Cạn, về nhà thấy trong người khác thường, rồi thụ thai, sinh ra ba quả trứng. Dân làng nghĩ đó là trứng thần bèn bỏ vào chậu nước đặt bên bờ sông. Chỉ trong chốc lát, lạ thay, ba quả trứng nở ra ba con chim giống như vịt, mào đỏ, mỏ hồng, mình đầy ngũ sắc. Chim vừa nở ra đã biết bơi ngay. Mọi người sợ hãi liền thả cả ba con chim xuống sông. Hàng năm thường thấy nhiều sự hiển linh, nhân dân đã lập đền thờ gọi là Đền Tam Lang, tức là Đền Cả.

Ba tòa điện ngôi đền được làm vào những thời điểm khác nhau. Thượng điện do Tiến sỹ Nguyễn Đức Mậu người làng Ích Hậu làm quan đến chức Đông các hiệu thủ, được vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức giao cho tổ chức xây dựng vào năm Giáp Ngọ (1475) lấy tên là Điện Xuân Đài. Trung điện do vua Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng giao cho Tiến sỹ Nguyễn Văn Giai cũng người làng Ích Hậu chỉ huy làm từ Thăng Long đưa về dựng vào năm 1583. Hạ điện dựng vào năm Đinh Sửu (1877) dưới triều vua Tự Đức do nhân dân trong tổng xây dựng. Đến năm 1740 giao cho tổng Phù Lưu bảo vệ và lo việc thờ phụng.

Trong quá trình lịch sử hiện đại, Đền Cả còn ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 24/7/1930, tại trung điện Đền Cả, đồng chí Trần Hữu Thiều, bí danh Nguyễn Trung Thiên, Xứ ủy Trung kỳ, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã về chứng nhận lễ kết nạp 12 đảng viên và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng cộng sản Ba xã (nay là Đảng bộ xã ích Hậu).

z5178862361365-d1b0d85a4e068af41f2fcdedfb3f5f63-1708489098.jpg
Người dân hoan hỉ công đức tại đền. Ảnh: BC

Đền cả là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ có giá trị tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo thời Hậu Lê. Bố cục mặt bằng kiến trúc lấy sự đăng đối từng điểm qua trục, từng lớp, từng khối qua trục làm phương thức chủ đạo vừa tạo nên sự cân xứng hài hòa vừa tạo cảm giác thâm nghiêm, kín đáo thích hợp với một kiến trúc tôn giáo. Nhìn tổng thể Đền Cả kiến trúc theo chữ Tam (三). Đây là lối kiến trúc phổ biến trong cung điện, cũng như tôn giáo thời Hậu Lê.

Kiến trúc đền Cả hiện nay gồm 3 tòa nhà chính: hạ điện, trung điện và thượng điện được xây dựng với các niên đại khác nhau. Trong đó, thượng điện được xây dựng vào năm 1474 thuộc niên hiệu Hồng Đức, lấy tên là điện Xuân Đài, do Nhị giáp Đệ Ngũ danh tiến sỹ xuất thân, Đông các Hiệu thư Trần Đức Mậu xây dựng. Nhà được làm bằng gỗ lim nguyên khối, với nhiều chạm khắc tinh xảo từ những người thợ ở kinh thành Thăng Long, sau khi làm xong mới đưa về bằng đường thủy để lắp ráp.

Thượng điện thờ Thánh Mẫu, kế đến là Tam tòa Đại Vương gồm: Hoàng tử Lý Nhật Quang cùng 2 vương hầu là Lý Đại Thành và Lý Thái Giai. Hai bên thượng điện thờ nhị vị công thần là Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư. Trung điện thờ các vị có công với đất nước như: Trần Đức Mậu, Nguyễn Văn Giai... Hạ điện thờ các vị thành hoàng làng rước về từ các thôn của xã. Trung điện được làm bằng gỗ lim nguyên khối với 16 cột, các bức hoành, xà, kèo được điêu khắc tỉ mỉ các hình rồng, phượng, vua, tướng, lính và voi ngựa... Đặc biệt, 2 bức hồi bằng gỗ lim được điêu khắc 2 hoạt cảnh: đánh cờ và hát múa cung đình.

z5178862231957-16c3f9692d776af40041655634df9c9a-1708489097.jpg
z5178862316861-b483d03d9eebc6dc220d100424220f1f-1708489098.jpg
Nằm trong khuôn viên ngôi đền có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ảnh: BC

Hiện nay, đền Cả còn lưu giữ 37 đạo sắc phong do các đời vua ban cho đền. Khuôn viên rộng gần 3 ha của đền Cả là một quần thể cây cổ thụ với nhiều loại cây quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó, có 6 cây được xác định có tuổi đời gần 1.000 năm gắn với thuở mới lập đền đã được chứng nhận cây di sản. Năm 2018, đền được các cấp chính quyền và bà con nhân dân đóng góp trùng tu tôn tạo với tổng kinh phí 27 tỷ đồng.

Hàng năm diễn ra các lễ chính tại đền gồm: Lễ hạ điền (bà con nhân dân xuống cấy vụ đông xuân và hè thu) từ 20/12 đến 20/01 âm lịch; lễ sắp ấn ngày 27/12 âm lịch; lễ khai hạ ngày 06/01 âm lịch; lễ giỗ bà Thánh Mẫu ngày 06/8 âm lịch… 

Với những giá trị về lịch sử văn hóa đó, năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng đền Cả là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Bảo Châu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Cả (Lộc Hà, Hà Tĩnh): Công trình kiến trúc cổ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo thời Hậu Lê" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.