Đền bù GPMB QL1A ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An): Cần xem lại quyền lợi chính đáng của người dân

09/07/2014 16:20

Theo dõi trên

Khi cần đất để triển khai dự án cho kịp tiến độ, chính quyền xã đã ký văn bản cam kết đền bù cho người dân. Nhưng, đến khi dự án hoàn thành, xã lại "phủi tay". Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện yêu cầu xem lại quyền lợi chính đáng cho dân, nhưng UBND xã Diễn Thịnh vẫn cố tình làm trái.

Cam kết một đằng, giải quyết một nẻo...

Các hộ dân: Hoàng Văn Năm, Hoàng Viết Đường, ở xóm 15, xã Diễn Thịnh, phản ánh: Năm 2012, khi triển khai mở rộng Quốc lộ 1A (dự án cấp Quốc gia) đoạn qua xã Diễn Thịnh, buộc phải dịch chuyển con mương thoát nước cho xã Diễn Thịnh và xã Diễn Lộc theo cống Ao Môn vào phần đất liền thổ của 2 hộ dân là ông Hoàng Văn Năm và ông Hoàng Viết Đường. Theo đó, gia đình ông Năm bị thu hồi 102,9m2. Gia đình ông Đường bị thu hồi 46m2. Đây là diện tích đất của 2 gia đình do cha ông để lại từ năm 1972.

Khi lấy đất để triển khai dự án kịp tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, ngày 16/8/2012, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng QL1A (HĐBTGPMB QL1A), gồm đại diện Ban Quản lý dự án (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An), đại diện đơn vị thi công, đại diện UBND xã Diễn Thịnh và 2 hộ dân nói trên đã lập "Biên bản làm việc” để “xác nhận phạm vi chỉ giới giải phóng mặt bằng". Nội dung Biên bản này ghi rõ: "Đoàn làm việc thống nhất với 2 gia đình... phần đất lấn sâu vào theo thiết kế, theo số liệu trích đo của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Diễn Châu và đền bù tiền đất cho 2 hộ gia đình theo quy định của Nhà nước...".

Tin tưởng vào cam kết của UBND xã, ông Năm, ông Đường thống nhất giao đất cho đơn vị thi công triển khai dự án, dịch chuyển dòng mương thoát nước trước cống Ao Môn vào vị trí đất liền thổ của gia đình. Nhờ đó, tiến độ thi công dự án Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Diễn Thịnh đến nay cơ bản đã hoàn thành. 

Đáng lẽ, ý thức, trách nhiệm này của công dân trước một dự án cấp quốc gia phải được UBND xã Diễn Thịnh biểu dương, ghi nhận, nhưng sự thật lại khác. Sau khi dòng mương thoát nước cống Ao Môn được khai thông, thay vì giải quyết quyền lợi cho dân, UBND xã Diễn Thịnh lại tìm mọi cách biến gần 150m2 đất của 2 hộ dân thành đất... của xã. Để thực hiện việc được này, ngày 26/8/2013, UBND xã Diễn Thịnh đã chỉ đạo xóm 15 tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của khu dân cư về “nguồn gốc sử dụng, mục đích sử dụng và thời điểm sử dụng đất” của 4 hộ gia đình tại công Ao Môn. Do quy trình “tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của khu dân cư” không đúng đối tượng, thành phần, có sự can thiệp của UBND xã nên ngày 27/5/2015, thay mặt HĐBTGPMB QL1A, bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu đã có văn bản yêu cầu UBND xã Diễn Thịnh “xác định lại nguồn gốc sử dụng đất của 4 hộ gia đình” nêu trên.

Theo chỉ đạo của UBND huyện, ngày 13/6/2014, với sự chỉ đạo của ông Cao Hiếu, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, cuộc họp lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất của 4 hộ dân liên quan đã được tổ chức tại hội trường tiếp dân của UBND xã. Thành phần dự họp gồm 18 người, nhưng chỉ duy nhất bà Hoàng Thị Sơn (hơn 90 tuổi) là hộ dân sống liền kề 4 hộ nêu trên, còn lại là những cán bộ cấp thôn, xã theo “cơ cấu” của ông Cao Hiếu. Những hộ dân có quyền lợi liên quan lại không được UBND xã tham dự cuộc họp này. Cuộc họp kết thúc, mấy ngày sau, chính những người tham dự cuộc họp cũng ngạc nhiên khi đọc được những dòng thông tin ghi trong "Phiếu lấy ý kiến khu dân cư" được niêm yết công khai tại UBND xã và Nhà văn hoá xóm 15. 

Trong mục “nguồn gốc sử dụng đất” trong "Phiếu lấy ý kiến khu dân cư" của ông Hàng Văn Năm và ông Hoàng Viết Đường (có chữ ký của ông Cao Hiếu và con dấu của UBND xã Diễn Thịnh) ghi giống nhau: “Đất có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980. Phần diện tích đất đã làm mương giáp Quốc lộ 1A là đất Ao Môn”.  Tại mục “Tình trạng tranh chấp đất đai” văn bản này ghi: “Tranh chấp đất Ao Môn do Nhà nước quản lý” (!?). Nếu căn cứ vào những thông tin này, số diện tích đất của gia đình ông Năm, ông Đường sẽ chẳng có cơ sở nào để đề nghị bồi thường quyền lợi. 

UBND huyện Diễn Châu cần vào cuộc

Ông Hoàng Văn Năm ngao ngán nói: "Chẳng hiểu sao các ông ấy (lãnh đạo xã Diễn Thịnh - PV) lại có thể thay lòng đổi dạ với dân như vậy? Đất gia đình chúng tôi ở từ bao giờ, người dân ở đây biết cả, sao các cuộc họp lại không mời chúng tôi. Gia đình chúng tôi làm sao nói dối với bà con làng xóm được?".

Ông Cao Xuân Hoàn, xóm trưởng xóm 15 (người có tên trong "Phiếu lấy ý kiến khu dân cư" với tư cách là chủ trì cuộc họp), khi nhìn thấy “Biên bản làm việc” với nội dung cam kết của UBND xã ngày 16/8/2012 do phóng viên cung cấp và các tài liệu liên quan đến quyền sử dụng 148,9m2 đất của ông Năm, ông Đường bị thu hồi, đã khẳng định: “Toàn bộ số diện tích đất liền thổ của gia đình ông Năm, ông Đường giáp với mương thoát nước cũ trước cống Ao Môn là đất do cha ông để lại. Họ sử dụng ổn định từ trước năm 1980 đến nay, không hề có tranh chấp với ai, kể cả UBND xã”.  Để thể hiện trách nhiệm của mình đối với làng xóm và với sự thật, ông Cao Xuân Hoàn cũng đã sẵn sàng ký tên xác nhận nội dung về nguồn gốc số diện tích đất của gia đình ông Năm, ông Đường đã bị thu hồi để dịch chuyển con mương thoát nước trước cống Ao Môn trong “Đơn đề nghị” ngày 24/6/2014 gửi Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu và Hội đồng BTGPMB QL1A cùng với 14 người khác trong xóm.  

Ông Hoàng Phong, Bí thư Chi bộ xóm 15 nói với phóng viên trước máy ghi âm: “Đất ở của gia đình ông Năm, ông Đường đã được xóm 15 xác nhận, lại chủ động giải phóng mặt bằng khi đơn vị thi công cần; các bên liên quan cũng đã ký cam kết thì cần phải thực hiện cho hợp lòng dân".

Ông Cao Hiếu – Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho rằng: “Số diện tích đất của gia đình ông Năm, ông Đường ở xóm 15 có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18/12/1980. Phần diện tích đất đã làm mương giáp Quốc lộ 1A là đất Ao Môn. Diện tích đất bị thu hồi thuộc diện đất đang tranh chấp do Nhà nước quản lý”. 

Chúng tôi hỏi ông Hiếu: “Vậy trước khi dự án mở rộng QL1A triển khai, UBND xã Diện Thịnh đã xử phạt hành chính đối với ông Năm, ông Đường về số diện tích mà ông cho rằng đang tranh chấp do Nhà nước quản lý hay chưa?”. Tuy nhiên, ông Hiếu không trả lời được câu hỏi này. Khi hỏi về nội dung cam kết được nêu trong “Biên bản làm việc” ngày 16/8/2012, ông Hiểu bảo: “Cam kết đó chỉ là thoả thuận tạm thời” (!?)

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, mặc dù UBND huyện Diễn Châu đã có văn bản chỉ đạo lần thứ 2 về việc tổ chức lấy ý kiến khu dân cư đối với nguồn gốc sử dụng đất của các gia đình đang có đơn khiếu nại ở xóm 15 nhưng cả 2 lần, UBND xã Diễn Thịnh có biểu hiện làm trái, can thiệp thô bạo vào quy trình và sự khách quan của vụ việc. Bởi vậy, UBND huyện Diễn Châu cần thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành hoặc tổ công tác để xác minh lại nội dung khiếu nại của công dân.

Sỹ Hào
Bạn đang đọc bài viết "Đền bù GPMB QL1A ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An): Cần xem lại quyền lợi chính đáng của người dân" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.