Để di tích thành điểm đến hấp dẫn

28/10/2016 10:31

Theo dõi trên

Những năm gần đây, các tour về nguồn, tìm hiểu di tích trên địa bàn tỉnh đã được nhiều người, trong đó có cả các bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên, để di tích nói chung và tour về nguồn nói riêng thực sự hấp dẫn, cần có sự quan tâm từ cả các DN lữ hành lẫn ngành văn hóa, du lịch.



Du khách tham quan địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa).

 
Thăm di tích để hiểu lịch sử

Cuối tuần qua, có mặt tại đầu hẻm 444, đường Trần Phú (phường 5, TP. Vũng Tàu) dẫn lên núi Lớn, chúng tôi thấy một nhóm bạn trẻ hỏi đường lên di tích Trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi. Theo chân nhóm bạn trẻ khoảng 20 người này, mất chừng 10 phút chạy xe máy, chúng tôi đã tới nơi. Bên những khẩu pháo cổ, cả đoàn vừa tranh thủ hít hà bầu không khí trong lành, vừa phóng tầm mắt ngắm cảnh thành phố biển và chụp hình kỷ niệm, ai nấy đều tỏ ra thích thú. Sau khi tham quan, chụp ảnh cùng các khẩu pháo ở di tích Trận địa pháo cổ và tham quan hầm thủy lôi cách đó chừng 200m, chị Phương Trúc (C5 - 2/32, Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Làm việc trong ngành du lịch nên những khi cuối tuần rảnh rỗi, tôi hay cùng nhóm bạn đến các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: địa đạo Long Phước; căn cứ Minh Đạm; Công viên, tượng đài và nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo… Những chuyến đi vừa giúp tôi hiểu thêm được những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, qua đó cũng hiểu thêm về lịch sử để giới thiệu về địa phương với khách”.

Theo tìm hiểu tại một số DN lữ hành trên địa bàn tỉnh, điều đáng mừng là nếu như trước đây, khách đi tour về nguồn, tham quan di tích ở BR - VT chủ yếu đến từ các cơ quan, đơn vị (trường học, DN, cựu chiến binh) và gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ thì nay, khách đa dạng hơn, đặc biệt là giới trẻ cũng thích các tour về nguồn, khám phá di tích. Các điểm đến được khách lựa chọn nhiều gồm: địa đạo Long Phước; di tích nhà tù Côn Đảo; căn cứ Minh Đạm; Đền thờ, công viên tượng đài và nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi núi Lớn…

Làm phong phú tour về nguồn

Ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Chi nhánh Vũng Tàu nhận xét: các điểm du lịch về nguồn nói riêng, di tích lịch sử nói chung ở BR - VT hiện nay hầu hết còn thiếu các dịch vụ phụ trợ như: giải khát, hàng lưu niệm nên du khách chỉ đến tham quan rồi về. Trong khi đó, các điểm về nguồn ở các địa phương khác có nhiều sản phẩm, dịch vụ nên vừa thu hút khách đông, vừa giữ khách ở lại lâu hơn và mức chi tiêu cũng cao hơn. Chẳng hạn, ở địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), sau khi tham quan địa đạo, du khách được “đãi” món khoai mì - món ăn mà bộ đội ta hay dùng trong thời gian sống, chiến đấu ở địa đạo. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn chơi như: các món ăn được chế biến từ thịt bò; cháo môn lươn, ếch; gỏi cuốn; nước mía sầu riêng… Còn ở Đền Hùng (Phú Thọ) thường bày bán các món đặc sản địa phương là bánh củ mài, bánh rau sắng, thịt chua ống tre, chè Lam, cốm… Các DN luôn có những gian hàng lớn để giới thiệu sản phẩm. Du khách vào tham quan sẽ được mời nếm thử. Sau đó, hầu như ai cũng vui vẻ mua về làm quà. “Các món quà lưu niệm ở những nơi này cũng có nét riêng, mang ý nghĩa tâm linh và bản sắc văn hóa như: trống đồng, các loại tranh đá vẽ các đền, đài thờ tự Hùng Vương... Nếu các điểm về nguồn của BR - VT cũng có các dịch vụ kiểu này sẽ làm tăng sức hấp dẫn, thu hút khách nhiều hơn”, ông Mỹ nói.  

Di tích và du lịch có mối quan hệ tương hỗ. Di tích phát huy giá trị là tiền đề cho du lịch phát triển. Ngược lại, doanh thu từ du lịch góp phần phục vụ việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Vì vậy, để tăng sức hút cho các tour tham quan di tích, các DN lữ hành cần có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa, lịch sử địa phương. Trong các tour về nguồn, khám phá di tích, ngoài việc dâng hương, tìm hiểu lịch sử, cần thiết kế sao cho du khách vừa tham quan vừa có thể cắm trại, dã ngoại, khám phá làng nghề của địa phương như: đan lát, mây tre, nấu rượu, làm bánh tráng… Các cơ quan quản lý di tích cũng cần đổi mới phương pháp hoạt động, chuyển từ tâm lý “chờ khách” sang chủ động mời gọi, quảng bá cái hay, cái đẹp của mình bằng cách nâng cao hiệu quả trưng bày; quảng bá di tích; phối hợp với các công ty du lịch đưa di tích vào chương trình tour. Ngoài ra, ngành du lịch có thể liên kết với một số cơ sở, DN sản xuất xuất các mặt hàng được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống của quê hương, trưng bày và bán tại các điểm đến phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Theo thống kê của Sở VHTTDL, 9 tháng đầu năm, các bảo tàng, di tích trên toàn tỉnh đã đón và phục vụ 243.355 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này được duy trì khá đều đặn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy, du lịch về nguồn đang là loại hình du lịch thu hút khách khá tốt, nếu biết khai thác sẽ góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.

(Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trà Ngân
Bạn đang đọc bài viết " Để di tích thành điểm đến hấp dẫn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.