Để Đền Và xứng đáng với danh hiệu cao quý

12/10/2016 15:28

Theo dõi trên

Từ thuở xa xưa ngày lập nước đến nay suốt chiều dài hàng mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc, hình ảnh và công lao trời biển của Ðức Thánh Tản Viên Sơn luôn khắc sâu và in đậm trong mỗi trái tim của người dân nước Việt.

Ở vùng Xứ Đoài xưa hiện có gần 200 di tích thờ Thánh và những người thân. Đông cung Đền Và là một trong tứ cung quan trọng có qui mô bề thế nhất tôn thờ Đức Thánh Tản (Nam cung và Tây cung ở Ba vì còn Bắc cung thuộc Vĩnh Tường –Vĩnh Phúc). Nằm trên địa bàn phường Trung Hưng- thị xã Sơn Tây cùng với di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây cùng một số di tích danh thắng trên địa bàn thị xã, nơi đây đang trở thành điểm tham quan, nghiên cứu thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, là niềm tự hào, thiêng liêng của mỗi người con trên quê hương.


Di tích Đền Và - Ảnh tư liệu của Nguyễn Đức Dũng     

Ngày 15 / 10 / 2016 tức ngày 15 tháng 9 năm Bính Thân, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) sẽ tổ chức trang trọng buổi lễ đón nhận danh hiệu lễ hội ở Đền Và là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và danh hiệu cây di sản Việt Nam cho 85 cây lim và một số cây cổ khác trong khuôn viên của di tích.

Đây vừa là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao của các cấp chính quyền và mỗi người dân, để làm tốt công tác bảo tồn, quản lý và phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến dưới đây:

Trước hết, theo chúng tôi, thành lập tổ thuyết minh thường trực nhằm giới thiệu, hương dẫn du khách đến thăm đền, trong nội dung bản thuyết minh cần đề cập đến những nội dung như: thân thế, sự nghiệp của Thánh Tản và 2 người em, các câu chuyện, sự tích liên quan về Thân mẫu của Thánh, vua Hùng kén rể, sự tích Người dạy dân đánh cá, múa hát, săn bắt… cũng như toàn cảnh ngôi đền, các hiện vật, lễ hội, không gian bên ngoài.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác quảng bá những hình ảnh và giá trị của di tích trên các loại hình báo chí, website, cổng thông tin điện tử, sưu tầm biên soạn một số sách, tờ rơi; tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề nhằm tiếp thu và lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp quý báu  của các nhà khoa học, cơ quan quản lý và nhân dân cho công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị của di sản từ đó làm căn cứ để tôn vinh công lao to lớn của Đức Thánh với dân với nước.

Đồng thời, xây dựng phương án bảo vệ phục hồi tạo điều kiện tốt cho hệ thống các cây di sản đã được công nhận cũng như các cây xanh phụ trợ khác để tạo ra môi trường sinh thái trong lành cho khu di tích, tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho nhân dân và du khách.

Tiếp đó, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của khách tham quan với các sản phẩm hội tụ đủ những yếu tố như: nhãn mác, đăng ký ATTP, có nguồn gốc, thương hiệu, như: kẹo truyền thống các loại, bánh tẻ, tương bần, dịch vụ sắm đồ lễ chín, các loại hoa trái… Ngoài ra người dân cũng tranh thủ tìm tòi các sản phẩm khác có nguồn gốc để phục vụ sự tiêu dùng của khách như: các loại rau củ quả sạch, các loài thuốc nam chữa bệnh, đồ mây tre đan khai thác từ đề tài nông nghiệp, cây cảnh nghệ thuật, gian thư pháp…

Trong suốt thời gian dài vừa qua công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Đền Và đã thu được nhiều kết quả tốt, tạo nên những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Hy vọng trong những năm tiếp theo ngoài sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của lãnh đạo và chính quyền địa phương cũng như sự tham gia tự nguyện của cộng đồng dân cư, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, di tích Đông Cung-Đền Và sẽ tiếp tục thu  được nhiều kết quả cao hơn nữa trong nhiệm vụ giữ gìn và khai thác các giá trị của mình, xứng đáng với danh hiệu cao quí, một địa chỉ đỏ linh thiêng trong vùng văn hóa Xứ Đoài rộng lớn.

(Theo Baodulich.net.vn)

Nguyễn Trọng An
Bạn đang đọc bài viết "Để Đền Và xứng đáng với danh hiệu cao quý" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.