Đẩy mạnh cơ chế hợp tác du lịch ASEAN+3 để quảng bá điểm đến, trao đổi khách du lịch

25/01/2024 09:21

Theo dõi trên

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2024 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 24/1, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN+3 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần thứ 44.

a7061062065991841613224-1706149194.jpg
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: TITC

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN 3, thông qua Trung tâm ASEAN-Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) và Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc (AKC), hỗ trợ của 3 nước đối tác đối với du lịch ASEAN chủ yếu dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật thông qua các khóa đào tạo về quảng bá xúc tiến du lịch (xây dựng trang web, đào tạo hướng dẫn viên, hội thảo kỹ thuật về thị trường, tham gia các sự kiện quảng bá, xúc tiến), phát triển sản phẩm và các chương trình giao lưu, các khóa đào tạo tại ASEAN và các nước đối tác.

Cụ thể, Trung Quốc đã tổ chức ba hoạt động là Triển lãm Du lịch Expo Trung Quốc-ASEAN; Hội chợ Du lịch Quốc tế Trung Quốc; và Chương trình đào tạo nhân lực du lịch Trung Quốc-ASEAN. Nhật Bản đăng cai Đối thoại đặc biệt Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Nhật Bản tháng 10/2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN-Nhật Bản. 

Nhật Bản cũng đã triển khai các dự án song phương với nhiều quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. 

Hàn Quốc đã triển khai một số hoạt động trong Chương trình Sáng kiến Đối tác Hàn Quốc về Du lịch Bền vững (KOPIST), bao gồm: Hội thảo cấp chuyên viên; Diễn đàn chính sách cấp cao; Tư vấn chuyên sâu từ tháng 7-11/2023; và hỗ trợ phát triển ODA cho Philippines từ năm 2023 đến năm 2026.

Đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phát triển du lịch ASEAN, đặc biệt với các dự án, sự kiện quảng bá nhằm quảng bá hình ảnh du lịch ASEAN tại 3 nước, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là những thị trường nguồn quan trọng đối với Việt Nam và là những ưu tiên chính để xúc tiến kể từ khi du lịch mở cửa trở lại. 

Năm 2023, Việt Nam đón gần 6 triệu lượt khách du lịch từ 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm 47% tổng lượng khách quốc tế. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau để giảm bớt các yêu cầu về thị thực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch trong khu vực. Kể từ tháng 8/2023, Việt Nam ban hành chính sách thị thực mới, kéo dài thời gian lưu trú đối với khách du lịch xin thị thực điện tử lên đến 90 ngày và đối với khách du lịch được miễn thị thực lên đến 45 ngày.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ba nước xem xét tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch từ các nước ASEAN đến du lịch. Bên cạnh đó, giới thiệu các nước ASEAN là điểm đến ưu tiên và gợi ý cho du lịch nước ngoài tới các hãng lữ hành và trên các phương tiện truyền thông.

a061062073961372071967-1706149240.jpg
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị - Ảnh: TITC

"Để cùng thúc đẩy hợp tác du lịch ASEAN 3, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với tất cả các nước thành viên thực hiện Kế hoạch công tác hợp tác du lịch ASEAN 3 và tích cực đóng góp vào các dự án, hoạt động du lịch chung. 

Để quảng bá tốt hơn các điểm đến ASEAN và các chuyến du lịch liên kết của chúng ta, tôi đề nghị các quốc gia thành viên hợp tác và thực hiện Famtrip theo chủ đề về thế mạnh của chúng ta như du lịch giải trí bãi biển, du lịch di sản, du lịch spa và chăm sóc sức khỏe cho giới truyền thông và những người có ảnh hưởng từ các quốc gia đối tác", Cục trưởng đề nghị.

Đối với kết quả hoạt động theo báo cáo của Trung tâm ASEAN-Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) và Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc (AKC), Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của ba trung tâm với sự phục hồi và phát triển du lịch ASEAN, đồng thời Cục trưởng cho biết, trong năm 2023, du lịch Việt Nam đã tham gia Hội thảo Đầu tư ASEAN-Trung Quốc và Hội chợ Du lịch Trung Quốc tại Trung Quốc do ACC hỗ trợ. 

Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với AJC để tổ chức thành công Khóa đào tạo Giảng viên về Kỹ năng số cho Doanh nghiệp Xanh tại Việt Nam với sự tham gia của 8 quốc gia thành viên. Và sự hợp tác với AKC đã tạo hiệu quả với video clip mới về "Kiến trúc và Văn hóa" được quay tại Việt Nam và phát sóng trên các kênh, phương tiện truyền thông của AKC.

a1706106208689801760056-1706149279.jpg
Thúc đẩy hợp tác du lịch ASEAN 3 - Ảnh: TITC

Trong thời gian tới, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ACC mở rộng Dự án Famtrip dành cho các Influencer Trung Quốc tới các điểm đến ở Việt Nam và xem xét hợp tác với Việt Nam trong nhiều hoạt động hơn nữa. Đồng thời đề xuất AJC và AKC tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các sự kiện tiếp thị và nâng cao năng lực, cũng như tổ chức thêm công tác nghiên cứu thị trường để khám phá hành vi của khách du lịch và các xu hướng mới nổi của du lịch ở ba quốc gia.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN 3 lần thứ 23; Đại diện Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương PATA báo cáo Hội nghị về xu hướng du lịch giữa ASEAN và 3 nước đối tác; thông qua Biên bản Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN 3 lần thứ 44.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Đẩy mạnh cơ chế hợp tác du lịch ASEAN+3 để quảng bá điểm đến, trao đổi khách du lịch" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.