Giữa thanh âm man mác của tiếng cồng chiêng, tiếng chim rừng rừng se sắt, trời Tây Nguyên như đang chập chờn ẩn hiện hình ảnh chàng Đam San cầu hôn Nữ thần Mặt trời và dẫn dắt buôn làng vượt qua gian khó. Mảnh đất sử thi huyền hoặc đã làm chúng tôi háo hức khám phá, quên hết bao mệt nhọc dù đã trải qua một hành trình gập ghềnh theo đúng nghĩa đen - xuyên rừng Quốc gia Chư Mo Ray. Dẫu rằng đây không phải lần đầu đến với vùng đất đỏ bazan, nhưng khi theo chân những người lính Binh đoàn xanh, tôi mới thấm thía về công sức của các anh và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi chiến địa một thời oanh liệt. Hình ảnh về những tháng ngày trận mạc của thế hệ cha anh đang hiện hữu trên mỗi địa danh, mỗi cung đường lịch sử. Vang vọng trong tôi bước chân thần tốc của đoàn quân hùng dũng năm xưa tham gia chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cho Đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975. Những địa danh Sa Thầy, Đắc Tô, Tân Cảnh… đã đi vào huyền thoại với biết bao trận đánh hào hùng. Dấu ấn Tây Nguyên can trường khi xưa và sự vượt qua gian khó của người lính Binh đoàn 15 hôm nay đang xây lên một Tây Nguyên bừng sáng trong không gian mới, dấu ấn xanh anh hùng trên đất đỏ cao nguyên.
Làng bên đường tuần tra biên giới
Nếu không được Thượng tá Hoàng Đình Tỏa giới thiệu, chắc tôi không thể nhận biết nơi ấy là biên cương. Mặc dù chỉ cách nước bạn vài cây số nhưng điểm dân cư của các đội sản xuất Chi nhánh 716 thuộc Binh đoàn 15 đã đông đúc như một bản làng. Cũng như các đơn vị khác của Binh đoàn, Chi nhánh 716 là một doanh nghiệp quân đội làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố Quốc phòng - An ninh trên địa bàn xã Ia Đal, một xã biên giới mới được thành lập của huyện cũng mới thành lập Ia H'Drai thuộc tỉnh Kon Tum. Anh Tỏa cho chúng tôi biết: “Chi nhánh chỉ mới vừa đứng chân trên mảnh đất này được ba năm nay. Trước đây cả vùng Nam Mo Ray rộng lớn là rừng già trơ trụi. Đường biên giới dài hơn 60 km nhưng không một bóng người trừ những chiến sĩ biên phòng. Gỗ quý hầu như không còn, thú rừng vắng bóng, chỉ vài loài cây tạp lơ thơ càng làm cho vùng đất cao nguyên khô cằn thêm hoang vắng. Ngày xưa bộ đội biên phòng đã từng ví von rằng vùng đất ấy là Siberia của Tây Nguyên”.
Hành trình đến các đội sản xuất của Chi nhánh 716 luôn phải xuyên qua các đường lô dài hun hút ngay bên cạnh đường tuần tra biên giới. Cậu lái xe bảo nếu đi hết 12 đội thì phải mất cả ngày. Mỗi đội có một điểm dân cư, điểm trường mầm non và quản lý khoảng 250 - 300 hec ta. Đi trong những đường lô dài hun hút rợp mát bóng cây tôi có cảm giác như đang lạc vào chốn thảo nguyên xa xăm nào đó, giống như nơi có những cặp tình nhân thướt tha dạo chơi mùa lễ hội. Cảnh sắc vùng biên ải vừa thơ mộng, vừa có nét tươi nguyên trù phú và ấm áp lạ thường. Trời cuối ngày chuyển se se lạnh. Nắng nhạt dần rồi pha loãng làn khói mỏng ngoằn nghoèo trên những nóc nhà sàn báo hiệu sắp tới bữa cơm chiều. Nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng xúc động thốt lên: “Cảnh sắc đúng như một buôn làng biên giới!”. Mà đúng là một buôn làng thật, bởi vì anh Tỏa cho biết, điểm dân cư này gồm những đồng bào Thái, Mường, Tày… được Binh đoàn tuyển dụng từ các vùng cao khác nhau ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình vào đây lập nghiệp. Họ còn rất trẻ, và đương nhiên ở đó là các cặp vợ chồng rất trẻ. Sức trẻ và ước mơ sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới hiện hữu trên những nét mặt tươi vui ngày mùa.
Đón chúng tôi ở làng là hộ gia đình anh Vi Văn Đang và vợ là chị Lê Thị Mai. Anh chị là người Thái trắng ở huyện Quan Sơn - Thanh Hóa rời quê hương lên đường gia nhập gia đình 716. Anh Đang vừa từ trên rẫy về, chiếc xe cải tiến chở đầy ắp những thân cây mè chi chít trái chất cao như núi dựng ngay đầu ngõ. Anh hồ hởi mời chúng tôi vào nhà uống nước, nhưng trong nhà cũng chất đầy bắp khô và dụng cụ lao động khiến chúng tôi loay hoay mãi chẳng biết ngồi đâu. Phó giám đốc Tỏa nhanh trí gỡ rối: “Thôi, mời các nhà văn ngồi tạm ngoài sân ngắm trời ngắm đất”… Chị Mai xách ấm nước ra mời, tôi vui vẻ chào và lịch sự bắt tay, nhưng chị rụt lại như e thẹn điều gì, đoạn đưa tay che miệng cười. Tôi thấy mấy ngón tay mình hơi khang khác, xòe ra xem thì dính toàn… nhựa cây cỏ dại. Mọi người cùng cười vui xóa tan cảm giác khách chủ. Anh Đang kể, ngoài công việc chăm sóc vườn cao su nhận khoán, mỗi hộ gia đình đội 6 được Chi nhánh cho tận dụng các khu vực bờ lô, hợp thủy khoảng vài hec ta để tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Gia đình anh trồng mè, bắp lai, chanh leo…vừa bảo đảm lương thực và có thêm thu nhập. Anh Tỏa vui vẻ dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng. Đường đất đỏ nội bộ nằm song song với đường tuần tra biên giới tỏa đi khắp các đội sản xuất của Chi nhánh 716. Xe máy của bà con ở đây toàn loại Win 100 chạy phăm phăm lên dốc xả khói xanh lét. Thấp thoáng các bà các chị gò lưng cõng những bó củi xòe trên lưng như những bông hoa nhấp nhô trong chiều tà gió lộng. Tôi rùng mình, với sức nặng mấy chục kílô như thế, trai tráng như mình chả chắc có mang nổi? Như hiểu suy nghĩ ấy của tôi, anh Tỏa cười hiền: “Đồng bào ở đây quen rồi, họ vốn trước đây cũng từng sống ở vùng rừng núi”. Tôi hỏi anh: “Như vậy đồng bào vẫn quen làm nương rẫy, có lẽ chuyển sang làm công nhân cũng không dễ dàng?”. Như động đến đúng nỗi niềm trăn trở bấy lâu nay, anh tâm sự: “Khi về với Binh đoàn, ngoài công việc làm rẫy quen thuộc, anh em kỹ thuật viên hướng dẫn thêm cách chăm sóc, cạo mủ và cung cấp vật tư để bà con tự chăm chút vườn cây nhận khoán của gia đình. Ngoài đồng lương ổn định, bà con còn được cấp đất, hỗ trợ xây nhà, khai hoang ruộng nước để bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ”. Nhà văn Thái Nam Anh ngạc nhiên hỏi lại: “Ở đây cũng trồng được lúa nước hay sao?”. Như để giải đáp thắc mắc của chúng tôi, anh Tỏa dẫn đoàn men theo triền con suối cạn xuống thăm đồng. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một khung cảnh rất lạ. Trên triền dốc là một cây kơ nia cổ thụ cao ngất trời. Dưới thung lũng có cánh đồng lúa nước ước chừng ba hec ta giáp ngay cánh rừng cao su xanh tốt. Cao nguyên đất đỏ bạt ngàn ở nơi đây, không gian của đồng bằng cũng hiện hữu ngay trước mắt. Chúng tôi đến lúc mọi người vừa cắt xong vạt lúa. Cô sơn nữ có cái tên đẹp như người Vy Thị Mỹ đang hối hả chuyển những bó lúa vàng tươi cuối cùng lên xe công nông để tập kết về nơi máy suốt. Em kể quê ở Tương Dương - Nghệ An theo chồng vào đây cũng mới được ba năm. Gia đình có 600 mét vuông ruộng lúa nước, ngoài ra còn nhiều cây, con khác ở gần nhà. Mà không chỉ riêng gia đình em, tất cả các hộ gia đình trong làng biên giới này đã tự chủ được cuộc sống và đang khao khát vươn lên làm giàu.
Thượng tá Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Lo cho cuộc sống của công nhân là chuyện khó, nhưng còn các vấn đề an sinh xã hội như chuyện học hành của trẻ nhỏ, khám chữa bệnh cho đồng bào…còn khó gấp vạn lần hơn. Khó khăn chung của Binh đoàn đang rơi vào thời điểm mủ cao su rớt giá”. Với đặc thù một đơn vị tự hạch toán kinh tế kết hợp xây dựng nền quốc phòng nơi biên giới đang đặt ra cho cán bộ chiến sĩ đơn vị những trăn trở và giải pháp căn cơ hơn bao giờ hết. Nhưng các anh đã làm được tất cả. Mặc dù Chi nhánh 716 mới thành lập chưa có tích lũy ban đầu nhưng Ban giám đốc đã quyết tâm huy động mọi nguồn lực cấp vốn cho các hộ gia đình công nhân dựng nhà, đầu tư khai khẩn mở rộng sản xuất. Số tiền ứng trước đó, người lao động sẽ trừ dần vào lương hàng tháng. Anh Hải tâm sự, chỉ có như vậy bà con mới có điều kiện an sinh lập nghiệp. Ngoài ra, Ban giám đốc còn tích cực vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật tăng gia nhiều cây, con mới, đa dạng để tự chủ nguồn thu ngoài vụ chính.
Khí hậu vùng Nam Mo Ray này vốn vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô, cái nắng, cái gió oi nồng, đặc quánh như muốn bật bung ra tất cả. Còn mùa mưa, nước đầy ăm ắp trắng xóa cả núi rừng. Khi trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng đội 3 - Chi nhánh 716 chia sẻ: “Khó khăn nhất của bà con là nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt. Khoan giếng sâu hơn năm chục mét mà chẳng hề có nước. Nhà nào may mắn lắm, khi chọn nơi trũng nhất dưới lòng chảo cách xa điểm dân cư vài trăm mét mới có nước dẫn về làng. Chính vì vậy Ban giám đốc Chi nhánh đã chủ động xây bể tích nước từ mùa mưa để phục vụ bà con. Đến nay, toàn Chi nhánh đã xây được 9 bể 10.000 khối ở các điểm dân cư. Còn về lâu dài, chúng tôi quyết tâm ngăn dòng suối, xây đập giữ nước để tạo điều kiện ổn định sản xuất...”.
Riêng tôi cứ miên man suy nghĩ về một vùng đất mang đậm dâu ấn của những người lính binh đoàn khi đã khai thiên phá thạch một địa danh mang tên Ia H'Drai trù phú này. Rồi đây, Chi nhánh 716 sẽ trở thành trung tâm huyện lỵ. Chỉ một xã Ia Dal này thôi đã có diện tích hơn cả tỉnh Thái Bình. Tôi tự nhủ, nếu như không có những người lính như các anh, một vùng biên cương rộng lớn sẽ hoang vu, lạnh lẽo biết chừng nào? Công nhân của Binh đoàn, cũng là công dân của huyện mới, rồi đây họ sẽ tiếp tục xây dựng những bản làng biên giới phát triển bền vững góp phần củng cố Quốc phòng - An ninh nơi đất đỏ cao nguyên.
Một mô hình kinh tế đặc trưng, hiệu quả
Cũng như nhiều đơn vị khác trực thuộc Binh đoàn 15, Công ty 732 đứng chân trên địa bàn biên giới thuộc hai huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy của tỉnh Kon Tum. Chúng tôi đến đại bản doanh của 732 vào một buổi chiều nắng vàng như mật ong sóng sánh trên con đường đất đỏ quanh co, uốn lượn. Một người đàn ông có vóc dáng chắc nịch, da nâu rám nắng bước đi thoăn thoắt đến chào và bắt tay chúng tôi. Sau màn chào hỏi và giới thiệu, tôi mới biết anh là Trần Ngọc Hải - Giám đốc Công ty. Quả thật tôi không nghĩ anh mới chưa đầy năm mươi xuân mà khuôn mặt đã từng trải như thế. Trông anh không giống một giám đốc bệ vệ, hồng hào như tôi vẫn hình dung về những vị chủ doanh nghiệp. Nét phong trần, bụi bặm hiện rõ trên những nếp nhăn hằn sâu nơi vầng trán cao, vuông vức. Anh tâm sự với chúng tôi về những trăn trở của những người lính Binh đoàn trong thời kỳ mủ cao su rớt giá. Công ty phải phấn đấu đảm bảo sản xuất, kinh doanh, tự hạch toán, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và nộp ngân sách đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh, tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng cơ sở chính trị - xã hội trên địa bàn đóng quân. Thách thức đó càng nặng nề hơn bởi tác động từ phức tạp của tình hình kinh tế, dân cư, xã hội, cơ sở hạ tầng, an ninh chính trị trên địa bàn, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch.
Địa bàn thực hiện nhiệm vụ của Công ty vốn là căn cứ của Mặt trận B3 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi tập trung nhiều khó khăn, phức tạp của vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây có 40km đường biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Môi trường sinh thái bị hủy hoại nặng nề bởi bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh. Dân cư của 5 xã thuộc 2 huyện trên địa bàn có mật độ thưa, phân bố không đồng đều, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Ê Đê, Xê Đăng, Cơ Dong, Bờ Râu... với trình độ dân trí thấp, tập quán sinh sống, sản xuất nhìn chung còn lạc hậu; điều kiện đảm bảo về kinh tế, văn hóa, y tế, giao thông... còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bằng tình cảm, trách nhiệm giúp dân là tự giúp mình, cán bộ công nhân viên Công ty 732 luôn kiên trì bám dân với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm để dân tin, dân làm theo”. Vì vậy, sau khi triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, Công ty tiếp tục đổi mới nội dung thông qua thực hiện chủ trương của Binh đoàn: “Hộ gia đình công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào người dân tộc thiểu số”. Qua đó, làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân các thôn, làng tạo điều kiện để các hộ gia đình có điều kiện tiếp xúc, gần gũi thân thiện, hiểu biết về hoàn cảnh của nhau và từ đó tự nguyện sướng khổ có nhau, no đói cùng nhau. Từ năm 2011 đến nay Công ty đã tổ chức được 06 đợt gắn kết với 435 cặp hộ. Qua 5 năm triển khai thực hiện, mô hình gắn kết hộ đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hộ công nhân người Kinh đã giúp đỡ hộ đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế, khai thác mủ cao su… Hộ đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho hộ công nhân người Kinh cùng sinh sống trên địa bàn, giúp bảo vệ vườn cây, tài sản của Công ty… Những hộ gia đình xin vào làm công nhân trong Công ty đời sống từng bước được cải thiện, từ bỏ dần những tập tục lạc hậu. Trẻ em đến tuổi được đi học đầy đủ, khi ốm đau đi bệnh viện thay vì mời thầy mo về cúng, ăn chín uống sôi, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ… Nếu như trước đây công nhân người đồng bào chỉ đạt định mức giao khoán từ 50 - 70% thì sau khi gắn kết bảo đảm 100% kế hoạch giao khoán, tay nghề khá, giỏi đạt trên 94%. Một trong những thành công lớn của chủ trương Gắn kết hộ đó là đã làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu, không theo tà đạo Hà Mòn. Đến nay 98% các thôn, làng kết nghĩa đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa, nhân dân các thôn, làng thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Theo chân cán bộ Công ty xuống thăm gia đình A Xah ở Đội 10 - Thôn Đăkvang, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng người Jrai đang hối hả thua hoạch vụ mùa. Lúa nếp, cà phê mới trảy phơi hai hàng dọc xếp từ cổng tới tận hiên nhà. Trung úy Hoàng Thanh Bình - Đội trưởng đội 10 vui vẻ nói với tôi: “Đây là một cặp hộ gắn kết tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất giỏi và hỗ trợ nhau trong làm ăn phát triển kinh tế. Hộ người Kinh là anh Nguyễn Quốc Hảo, nhà cũng ở gần đây thôi. Nhưng thời điểm này bà con ra rẫy hết, tối mịt mới về”. Vợ chồng A Xah hôm nay cũng vừa gặt xong mảnh ruộng ngay sau nhà đang mải miết rê từng bao lúa trĩu hạt vàng tươi. Trò chuyện với A Xah một hồi thì anh Hảo cũng vừa từ rẫy cà phê chạy ngang qua. Tôi tranh thủ khai thác hai anh về thủ tục lễ gắn kết hộ như thế nào, A Xah bảo: “Vui lắm cán bộ à. Hôm ấy Công ty tổ chức tập trung mấy chục hộ, có già làng, trưởng thôn chứng kiến nữa. Sau quá trình tự tìm hiểu, thấy quý mến nhau và ưng cái bụng nhau thì đăng ký để Công ty làm lễ gắn kết. Làm lễ xong già làng lấy sợi chỉ hồng buộc vào cổ tay từng người, dặn dò khuyên nhủ đại ý rằng từ đây hai gia đình chính thức coi nhau như anh em, giúp đỡ nhau trong mọi lúc buồn vui, sướng khổ…”. Tôi đã gặp rất nhiều cặp gắn kết hộ như gia đình A Xah, ấn tượng chung là tất cả đều có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Và một điều chắc chắn rằng, việc thực hiện tốt công tác dân vận nói chung và hoạt động kết nghĩa, mô hình Gắn kết hộ nói riêng của Binh đoàn đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định Quốc phòng - An ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Công ty cũng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương trú đống, khi đã xây dựng được nhiều Nhà đồng đội, nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Thắm đượm nghĩa tình quân dân miền biên ải
Chúng tôi đến thăm một xóm nhỏ của thôn Tân Bình - xã Đă Kan, huyện Ngọc Hồi nằm khuất sâu giữa những cánh rừng cao su xanh ngút ngát. Xe chạy êm ru, khác hẳn với cảm giác tưng tưng như thú nhún trên đường di chuyển mọi hồi. Đại úy Nguyễn Văn Sơn - Trợ lý tuyên huấn Binh đoàn kiêm hướng dẫn viên giới thiệu: “Chúng ta đang trên đường vào xóm A Tâm”. Tại sao ở chốn rừng núi này lại có cái địa danh mang dáng dấp đồng bằng thế nhỉ? Đem thắc mắc hỏi lại Sơn, anh chỉ cười nhẹ bảo: “Em không muốn nói trước bất cứ điều gì, để các anh tự tìm hiểu cho cảm xúc luôn tươi mới...”. Mọi người đành chịu cái lí lẽ rất lãng mạn của cậu chàng tuyên huấn tài hoa vốn là nhà nhiếp ảnh và nhạc sĩ. Tới ngã ba đường nhựa Sơn ra hiệu dừng xe mời mọi người xuống chụp ảnh và thưởng thức...khí tươi. Cậu ta bảo: “Về thành phố các anh có nằm mơ cũng không được đón gió cao nguyên như thế này đâu”! Quả thật tiết trời mát dịu và trong lành quá. Ai cũng tranh thủ ưỡn cong lồng ngực hít hà lấy cái hương vị tươi nguyên trong trẻo ấy.
Ngay sát mép đường nhựa phẳng phiu là một quán tạp hóa nhỏ, trên bức tường có hàng chữ quét sơn ngay ngắn: Xóm A Tâm. Chúng tôi chợt reo à lên thích thú. Chị chủ quán trung niên tươi cười đón chúng tôi và như hiểu ý định của đoàn khách lạ nên vui vẻ kể lại câu chuyện của hơn một năm về trước. Khi ấy Trung tá Trịnh Hà Tâm còn làm giám đốc Công ty 732, xóm nhỏ này có 20 hộ dân với 65 nhân khẩu là người dân tộc Thái, Mường từ phía Bắc di cư vào lập nghiệp từ những năm thập kỷ 90. Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, làm nương rẫy, thu nhập bấp bênh. Tuy rất gần trung tâm xã nhưng không có điện lưới sử dụng, đường giao thông thì vô cùng trắc trở nên đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con vô cùng khó khăn, vất vả. Cuối năm 2015, mặc dù Công ty 732 đang gặp rất nhiều khó khăn song bằng tình cảm và trách nhiệm của người lính với biên cương, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đã họp bàn quyết tâm kéo điện lưới và làm đường cho người dân xóm nhỏ. Sau 10 ngày thi công, công trình đường điện hạ thế với chiều dài gần 3 km, tổng kinh phí hơn 470 triệu đồng, đã được vận hành và đưa vào sử dụng đúng dịp Tết cổ truyền Bính Thân 2016. Chị chủ quán kể, có chứng kiến cảnh bà con thôn Tân Bình lần đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng của bóng điện mới cảm nhận được hết niềm vui, sự hân hoan phấn khởi của bà con sau bao nhiêu năm phải sống trong ánh sáng lập lòe của ngọn đèn dầu mỗi khi trời tối. Kể từ khi có điện, cuộc sống của người dân đã thay đổi rõ rệt. Bà con tiết kiệm tiền mua ti vi về xem tin tức, biết được ngày mưa, ngày nắng để làm mùa. Nhất là bọn trẻ con, từ nay chúng không phải lụi cụi bên ngọn đèn dầu khét lẹt. Anh Xuyện, một hộ gia đình làm vườn trong thôn cho biết: “Từ khi có điện, gia đình tôi có điều kiện bơm nước tưới cà phê với giá cả rẻ hơn chạy máy nổ. Các hộ gia đình đã bàn nhau dự định sang năm mở rộng thêm diện tích trồng cà phê, hồ tiêu...để tăng thu nhập”. Con đường đất đỏ dẫn vào làng cũng được Công ty đầu tư trải nhựa phục vụ thiết thực nhu cầu đi lại của bà con trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Những công trình mang đậm ý nghĩa tình cảm quân dân nơi đây đã khiến bà con ngày càng thêm tin yêu bộ đội, bà con phấn khởi tự đặt tên xóm là Xóm A Tâm để bày tỏ tình cảm với giám đốc Trịnh Hà Tâm và các cán bộ chiến sĩ, người lao động Công ty 732.
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì một mùa xuân mới đã về trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trên những nẻo đường vùng biên gập ghềnh đá sỏi, nơi đất và người còn nhiều khó khăn, sự hiện diện, tận tình của những người lính Binh đoàn 15 càng trở nên thân thương, gần gũi. Vang vọng trong tôi giai điệu tự hào Rừng Tây Nguyên xanh như gió ngàn thổi mãi./.