Núi Mo So
Lực lượng TNXP Tây Nam bộ lúc đó được tổ chức và tập hợp lên đến gần cả ngàn người. TNXP ở tuyến đường này đa số là con gái, chỉ một ít con trai nhưng toàn là cán bộ chỉ huy. Các cô gái TNXP còn rất trẻ, tuổi đời từ 15 đến 20, phần đông quê ở Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Trà Vinh và Cần Thơ. Trong số ấy có một số cô khai khống tuổi lên để được đi… Năm 1968, do yêu cầu phục vụ chiến trường lộ Vòng Cung - TP Cần Thơ, Liên đội 2 TNXP được thành lập gồm Đại đội TNXP của Trà Vinh và Đại đội TNXP của Cần Thơ sáp nhập lại. Liên đội 2 đã cùng bộ đội chủ lực của quân khu và lực lượng vũ trang Cần Thơ giằng co, đánh nhau ác liệt với quân địch ở khu vực lộ Vòng Cung cho đến cuối đợt 2 của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân (5-5-1968 - 16-6-1968).
Trước đó, từ Tổng trạm của Đoàn 195 ở biên giới K., TNXP phải vận chuyển hàng qua Hà Tiên - Nam Thái Sơn - Ngọc Sơn - Tân Hội - Tân Kiểm - lộ Cái Sắn… với số lượng khá lớn, vận chuyển khẩn trương liên tục ngày đêm để phục vụ cho Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Vận chuyển hàng hóa ở vùng biên giới Tây Nam vô cùng gian nan, vất vả. Mùa khô phải dùng xe trâu, xe ngựa, xe ba gác. Mùa nước nổi chống xuồng nan lướt trên cỏ lác, cỏ năng. Máy bay, tàu chiến, xe lội nước của địch đánh phá liên tục và dữ dội. Sau chiến dịch Mậu Thân, địch phản kích rất ác liệt, đồn bót giăng giăng, chừng vài trăm mét là có chốt chặn. Trên bộ, trên sông, trên trời, giặc điên cuồng bắn phá. Sư đoàn 9 Mỹ, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn, thủy quân lục chiến, biệt động quân, quân địa phương ngụy ngày đêm hành quân, càn quét… nhưng TNXP vẫn cứ đi.
2. Trận địch càn và bao vây, tấn công hang Mo So (Kiên Lương) thật dữ dội, ác liệt. Mo So (có nghĩa Đá Trắng) là ngọn núi đá vôi có nhiều hang động ăn thông với nhau, hình thành những ngóc ngách bí hiểm. Có nơi hang chỉ vừa đủ cho một người lách qua, có chỗ phình ra rộng rãi như căn nhà lớn với nhiều cửa rộng hẹp có hình thù đa dạng. Núi Mo So hình vành khăn, ở giữa có một thung lũng rộng chừng hơn 1.500m², cây cối tốt tươi và có nhiều đàn khỉ. Trong lòng núi có những con suối ngầm chảy lượn theo hành lang, vách núi; nhiều thạch nhũ hình bát úp, đá tai mèo với khoảng không gian rộng thoáng do trên vách núi có nhiều lỗ ăn thông ra ngoài.
Đường vào hang núi Mo So
Với quyết tâm tiêu diệt căn cứ ta ở Mo So, tháng 2-1970, quân giặc tập trung 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 21 bộ binh, 2 thiết đoàn xe M.113, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội thám báo, 10 cụm pháo mặt đất, 2 chiến hạm ngoài khơi tập trung đánh vào Mo So. Kẻ địch đã dùng bom hạng nặng dội xuống nơi đây nhưng chẳng hề hấn gì. Hang động dù bị vây chặt hàng tháng, lực lượng tấn công bên ngoài rất đông nhưng không thể xâm nhập được vào hang. Hơi cay, súng phun lửa bắn vào nhưng có điều rất đặc biệt, chỉ chừng một phút sau, lửa và hơi cay bị thổi ngược ra. Ấy là nhờ gió hút từ những lỗ, khe thông khí trên vách núi. Trong hang có nước suối ngọt chảy ra từ các khe đá quanh năm nên lực lượng phòng thủ có thể chiến đấu lâu dài. Lực lượng của ta gồm bộ đội địa phương huyện Hà Tiên, một bộ phận của Tỉnh đội và Tiểu đoàn 61 quân chủ lực suốt 45 ngày đêm kiên cường chiến đấu, đã đánh bại cuộc bao vây quy mô và loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.800 tên giặc. Căn cứ Mo So được giữ vững.
Có thời điểm quân địch cho máy bay B-57, B-52 dội bom suốt ngày. Hạm đội 7 (Mỹ) ngoài biển bắn pháo lớn đủ cỡ, hết đợt này đến đợt khác. Trực thăng rải chất độc hóa học xuống Mo So, thả những phuy xăng, dầu xuống rồi bắn đạn lửa cho cháy để đốt hang. Theo lời kể của bác sĩ Trần Minh Hữu (Chín Tần), trưởng Bệnh viện dã chiến 195, trong một lần bom tấn rơi xuống Mo So, có hai chiến sĩ bị vùi lấp trong một ngách hang bởi tảng đá to nặng hàng ngàn cân bị bom đánh rớt xuống. Dù rất cố gắng nhưng ta không thể cứu được các đồng chí ấy, cả hai đã hy sinh.
Là những đơn vị ở tuyến sau nhưng TNXP chiến đấu không thua kém bất kỳ lực lượng vũ trang nào. Chỉ với 18 thanh niên giữ một kho hàng của Đoàn 195 ở Đồng Tràm (Hà Tiên) nhưng vào tháng 12-1968 đã anh dũng, kiên cường chống lại hàng ngàn quân địch trang bị vũ khí đến tận răng, có máy bay B-52 dọn đường và pháo binh, trực thăng vũ trang yểm trợ. Các chàng trai, cô gái trẻ TNXP đã đẩy lùi trên 10 đợt tấn công vô cùng ác liệt của giặc. Cuối cùng, bọn địch phải khiêng hơn 100 xác chết rút chạy. Bên TNXP không bị sứt mẻ một người. Thật là một trong những chiến công thần kỳ, vẻ vang của quân dân ta thời ấy.
Hai nhà thơ kháng chiến Lê Chí và Nguyễn Bá đã có nhiều kỷ niệm và những câu thơ xúc động, hào hùng về Mo So và những chiến sĩ, đoàn viên TNXP anh hùng; những cô gái, chàng trai bất khuất của ĐBSCL: Chúng tôi đi khi trời chưa gọi sáng/Trăng mùng mười còn giỡn nước giữa đầm sen/Vẫn cơm gói mo cau vẫn xuồng ba lá/Vẫn chiếc bồng và khẩu súng yêu quen. (Trên một chặng đường dây - Lê Chí)
Bạn từng biết Mo So là tôi đấy/Thuở chiến chinh - tôi cùng bạn thắng thù/Ngàn tấn Napal đốt tôi không cháy/Hùng cứ dưới trời, tôi là Mo So. (Mo So - Nguyễn Bá)
3. Ngày nay, đường đến Mo So rất dễ đi nên có nhiều du khách tìm đến ngoạn cảnh và tìm hiểu lịch sử. Khách có thể yêu cầu hướng dẫn viên là người địa phương dẫn vào hang động để khám phá. Trong ánh sáng của đèn pin, du khách sẽ có cảm giác như mình đi trong lòng đất với không khí ẩm ướt, mát lạnh. Thỉnh thoảng có vài con dơi đập cánh bay sàn sạt ngang mặt khiến phải giật mình! Cuối cùng, sau khi đi ngoằn ngoèo trong bóng tối mập mờ, bỗng ánh sáng bừng ra nơi cửa hang, ấy là bạn đã ra thung lũng Khỉ.
Thung lũng về đêm điện sáng trưng, đông vui, ấm cúng. Du khách có thể ngồi lai rai trong hang động hoặc ngoài thung lũng tùy thích để có cảm giác như trở lại thời xa xưa giữa đất trời, núi non, hang động kỳ vĩ, huyền bí. Chiều Mo So rất đẹp và yên bình. Bạn sẽ gặp những đàn chim chập chờn vỗ cánh bay về dãy núi Bình An phía biển. Mấy năm gần đây, ở những cánh đồng cỏ năn quanh núi Mo So, vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch, có những đàn sếu đầu đỏ (hạc) bay về hàng trăm con, chúng tìm thức ăn và tìm bạn tình.
Có điều gây bức xúc cho những ai yêu mến Mo So là hiện nay khu vực di tích văn hóa lịch sử này đã bị thu hẹp do tác động của việc khai thác đá làm xi măng, chiếm đất quanh núi để đào ao nuôi tôm. Dân các nơi đến mua bán bát nháo khiến cảnh quan Mo So không còn như trước nữa!
(Theo SGGP)