Dấu ấn Bửu Sơn Kỳ Hương thời mở đất

23/01/2015 09:00

Theo dõi trên

Là tôn giáo nội sinh đầu tiên ở Nam Bộ, Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) đã tạo nên dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của người dân thời mở đất. Hơn 160 năm hình thành và phát triển, đạo BSKH đã có nhiều đóng góp vào đời sống tâm linh của người dân và tiến trình phát triển của địa phương.

Đạo BSKH gắn liền với tên tuổi nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An). Theo giới nghiên cứu, ông là người yêu nước và cũng là người sáng lập nên triết lý hành đạo rất gần gũi với đời sống. BSKH lấy gốc từ đạo Phật, song lại không “lánh đời” mà có xu hướng “nhập thế”, thể hiện vai trò của người công dân đối với xã hội.

Đức Phật Thầy Tây An trong quá trình khai đạo đã thu nhận nhiều đệ tử, trong đó có cả những nhân vật lịch sử nổi tiếng. Khi mối đạo hình thành, nhằm tạo điều kiện để bá tánh yên tâm thực hiện giáo lý, Đức Phật Thầy đã giao cho các đại đệ tử thân tín dẫn dân đi khai hoang, lập ấp. Cụ thể, Quản cơ Trần Văn Thành khai hoang vùng Láng Linh, vùng Cái Dầu do ông đạo Xuyến phụ trách, vùng Đồng Tháp Mười do ông đạo Ngoạn dẫn đầu, còn ông Đình Tây là người trông coi vùng núi Két…




 Thới Sơn tự, nơi được xem là “tổ đình” của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Đi đến đâu, các đại đệ tử của ông đều hướng dẫn người dân lập trại ruộng, trại rẫy, trại cưa để ổn định cuộc sống, thực hiện triết lý “học Phật tu nhân”. Hiện nay, một số di tích trại ruộng, trại rẫy còn tồn tại, được người dân tôn thờ, hương khói quanh năm, như: Phước Điền tự (chùa Trại Ruộng), đình Thới Sơn, Bửu Hương Các… Từ các cuộc khẩn hoang của tín đồ BSKH, nhiều xóm làng trù phú đã mọc lên, điển hình là 2 làng Hưng Thới và Xuân Sơn (nay thuộc xã Thới Sơn, Tịnh Biên).

Mặt khác, đạo BSKH, với giáo lý của Phật Thầy, đã thể hiện rất rõ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Tín đồ của đạo đều “tại gia cư sĩ” và xem “tứ ân” là tư tưởng xuyên suốt quá trình hành đạo của mình. “Tứ ân” ở đây là ân đất nước, ân tổ tiên cha mẹ, ân tam bảo và ân đồng bào, nhân loại. Trong đó, ân đất nước được đặt lên hàng đầu và Quản cơ Trần Văn Thành là người tiêu biểu cho tinh thần ấy. Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, Quản cơ Thành đã biến trại ruộng Láng Linh thành nơi tập luyện nghĩa quân.

Ông lập nên căn cứ Bảy Thưa, đứng ra tập hợp nghĩa quân, đa số là tín đồ BSKH, thực hiện lý tưởng đuổi giặc ngoại xâm cứu quê hương. Cuộc khởi nghĩa của Đức cố Quản kéo dài 6 năm ròng rã, huy động nhiều sức người, sức của trên quy mô rộng lớn và liên tục. Có thời điểm, lực lượng nghĩa quân lên đến 1.200 người. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng đã nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì đất nước của người tín đồ BSKH.    

Đạo BSKH còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân vùng Bảy Núi. Những giáo lý của BSKH đã tạo nên sự linh thiêng huyền ảo cho vùng đất này. Hiện nay, chính sự “mầu nhiệm” của dãy Thất Sơn đã trở thành thế mạnh về du lịch văn hóa, tâm linh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi.

Theo ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Đoàn Minh Huyên ngoài việc là một tu sĩ tinh thông y thuật, có tài trị bệnh, ông còn là một nhà doanh điền tài ba, có công lớn trong cuộc vận động, hướng dẫn người dân khai hoang, lập ấp. Hơn hết, ông còn là một người yêu nước, những giáo lý của ông đã định hướng cho tín đồ sống có trách nhiệm, sẵn sàng đứng lên chống ngoại xâm khi đất nước lâm cơn nguy biến.

Tiếp nối truyền thống, những tín đồ BSKH ngày nay luôn hòa mình vào công cuộc xây dựng quê hương. Ông Đặng Văn Son, Phó Trưởng ban Quản lý chùa Phật Thới Sơn, chia sẻ: “Thực hiện giáo lý của Phật Thầy, chúng tôi luôn tích cực xây dựng cuộc sống, hướng đến điều thiện, thực hiện tốt trách nhiệm người công dân đối với xã hội. Đồng thời, tránh xa mê tín dị đoan, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng tôn giáo của tỉnh”.

THANH TIẾN
Theo Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn Bửu Sơn Kỳ Hương thời mở đất" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.