Nghệ sĩ Đào Tấn
Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, Đào Tấn là hiện tượng đặc biệt, một ông quan to, đồng thời là một nghệ sĩ lớn nhất ở thế kỷ 19. Một con người thăng quan tiến chức rất nhanh và rất cao do tài năng và công lao phát triển nghệ thuật. Do đó ngành tuồng từ miền Bắc đến miền Trung và Nam bộ đã suy tôn Đào Tấn là “Hậu tổ”. Đào Tấn cũng được đặt tên cho một con đường ở quận 5, TPHCM, từ năm 1960 trước cả Hà Nội và nhiều thành phố khác.
Trong suốt cuộc đời làm quan: Mười năm ở Nghệ Tĩnh, mười năm ở Huế, nhiều năm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, hoặc ở Sài Gòn, Gia Định… Đào Tấn vẫn không rời cây bút và trường hát. Ông là người đầu tiên thành lập các đội tuồng chuyên nghiệp được hưởng lương và cấp bậc. Ông cũng là người đầu tiên mở Học bộ đình, trường đào tạo diễn viên chính quy ở Vinh (Nghệ An), ở Bình Định, tạo thành một hệ thống, một phong cách nghệ thuật hoàn chỉnh và độc đáo, nâng cao nghệ thuật biểu diễn tuồng lên một bước như đưa võ thuật dân tộc vào nghệ thuật biểu diễn tuồng, sáng tác ra một số làn điệu mới cho tuồng... Đào Tấn vừa là người bảo vệ truyền thống vừa là người phát huy truyền thống tuồng, nhưng không làm đứt mạch truyền thống. Ông đưa tuồng từ dân gian vào cung đình, rồi từ cung đình tỏa ra dân gian. Vì vậy, mà dân gian gọi là “Tuồng cụ Đào”. Ông mạnh dạn thể nghiệm, cho diễn tuồng trên sân khấu bè chuối thả trên dòng kênh để diễn tả cảnh thủy chiến, hoặc ông cho diễn tuồng trên còn đường làng Vinh Thanh gần như tả thật để cho nhân dân tiếp cận tuồng một cảnh dễ dàng về hát và múa của diễn viên. Các học trò của ông là những nghệ sĩ tài năng nổi tiếng nhất, mà cho đến bây giờ khó có ai sánh kịp về hát, về múa, về diễn xuất có chiều sâu. Đó là Đội Hiệp, Bát Phàn, Cửu Khi, Quản ca Thường, Chánh ca Hoa, Chánh ca Nghiệm, Chánh ca Võ, Cai Tám, Cai Tư, Mười Thân…
Đến nay đã có mười thế hệ tiếp nối phong cách tuồng của Đào Tấn. Họ đang là những diễn viên trụ cột của các đoàn tuồng khắp đất nước. Nghệ thuật sáng tác cũng như kỹ thuật biểu diễn tuồng của Đào Tấn đã trở thành cổ điển, mẫu mực, từ chân hia, mũi giáo, vũ đạo, võ thuật, đến hát Nam, hát Khách, hát Tẩu, Xướng, Bạch, Bắc bài… Hai nhà soạn tuồng nổi tiếng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Quảng Nam và ở Huế đều kế thừa phương pháp nghệ thuật Đào Tấn trong các tác phẩm của mình mà ngày nay chúng ta gọi là phong cách tuồng Đào Tấn xuyên suốt trong biểu diễn và trong huấn luyện đào tạo.
Đào Tấn là một nghệ sĩ biệt tài và là một diễn viên xuất sắc, một đạo diễn tài năng, một tác giả nổi tiếng, một nhà thơ lớn, đồng thời là nhà lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam với công trình Hý trường tùy bút. Ngoài hàng trăm bài thơ, ông còn để lại gần 30 vở tuồng do ông sáng tác và nhuận sắc, có vở dài tới 100 hồi, diễn tới 100 đêm như Vạn bửu trinh tường, Quần trân hiến thụy. Văn tuồng của Đào Tấn lúc sinh thời, vua Tự Đức, một ông vua giỏi văn thơ cũng phải ca ngợi là “Bút pháp như thần”. Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh tôn Đào Tấn là “Thánh trong Thánh” khó ai sánh kịp.
San hậu - vở tuồng cung đình kinh điển của Việt Nam do Đào Tấn chỉnh lý
Tuồng của Đào Tấn vừa có giá trị, nội dung phê phán chế độ phong kiến phản động, ca ngợi lòng yêu nước, đề cao chính nghĩa và nhân dân lao động, đặc biệt ca ngợi người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Đào Tấn cũng là người đầu tiên phá vỡ đề tài “Quân quốc”, một đề tài duy nhất của tuồng cổ, phá vỡ cả nguyên tác kết cấu kịch bản truyền thống là “có hậu”, là “vua băng, nịnh tiếm, giết nịnh, định đô, tôn vương tước vị”. Hầu hết nhân vật chính diện trong tuồng Đào Tấn là những anh hùng dám xả thân vì nước, vì chính nghĩa, đặc biệt, vai trò người phụ nữ luôn được đề cao.
Chúng ta có thể tự hào về Đào Tấn. Nhà cách mạng, nhà văn hóa Hà Huy Giáp đã đề nghị nên thành lập Viện nghiên cứu Đào Tấn. Nhân dịp kỷ niệm 170 năm sinh của ông, nên chăng Bộ VH-TT-DL cùng UBND tỉnh Bình Định nên tiến hành lập hồ sơ tôn vinh Đào Tấn là danh nhân văn hóa thế giới, bởi vinh danh bậc hậu tổ nghệ thuật tuồng Việt Nam cũng có nghĩa là vinh danh văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đào Tấn sinh ngày 3-4-1845, mất ngày 15-7-1907 (âm lịch) trên quê hương Bình Định, mảnh đất có truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa và võ thuật dân tộc. Tài năng của Đào Tấn đã bộc lộ từ tuổi thiếu niên. Năm 12, 13 tuổi, ông đã làm được nhiều bài thơ hay. 19 tuổi ông đã viết được kịch bản tuồng, mặc dù tuồng là thể loại văn học khó nhất. 22 tuổi ông đỗ cử nhân và ba năm sau tên tuổi của ông đã vang tới triều đình nhà Nguyễn. Vua Tự Đức đã vời ông về kinh sung chức Hiệu thư (quan phụ trách văn học). Đào Tấn từng làm tri phủ Quảng Trạch, phủ doãn Thừa Thiên (hai lần), hai lần làm tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) và bốn lần làm thượng thư ở triều Nguyễn, mặc dù đã có lúc ông treo ấn từ quan về quê đi tu và sáng tác tuồng.
GS HOÀNG CHƯƠNG