Đào Tấn tên thật là Đào Đăng Tấn (1845 - 1907), tự là Chỉ Thúc, hiệu Tô Giang, Mộng Mai. Đào Tấn xuất thân dòng dõi danh gia, quê ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, người nổi tiếng thông minh, sáng trí, lại có thiên hướng về nghệ thuật, được vị thầy “tứ kiệt” văn chương đất Bình Định là cụ Nguyễn Diêu truyền cho văn chương, tuồng tích, nên năm 19 tuổi Đào Tấn đã viết vở tuồng đầu tay “Tân Dã đồn”. Năm 22 tuổi (1867), Đào Tấn đỗ cử nhân khoa thi hương năm Đinh Mão niên hiệu Tự Đức (1871), ông được hậu bổ làm quan. Năm 1874, ông làm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình), năm 1882 là Phủ doãn Thừa Thiên. Đào Tấn được phép gần vua Tự Đức đàm luận văn chương rất là tâm đắc; được vua ban tặng danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần), “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua)... Đương thời, Đào Tấn còn là hình tượng trượng phu phương Đông “Ở thì ở nơi quang rộng của nhân dân, đứng thì đứng chỗ ngay thẳng của nhân dân, đi tìm con đường lớn của nhân dân,...” (Mạnh Tử), có sức ảnh hưởng lớn đến các phong trào cách mạng từ Cần Vương đến Duy Tân.
Đào Tấn đã cứu trợ nạn đắm thuyền của hơn 400 ngư dân đảo Hải Nam, được họ lập đền thờ sống, khắc hai câu liễn “Tứ bách dư nhơn tồn hoạt mạng/ Vạn thiên lí ngoại kiến sanh từ” (Hơn bốn trăm người còn giữ được mạng sống/ Ngoài ngàn dặm xin lập sanh từ) trên đảo Hải Nam, đảo Lôi Châu.
Nhìn lại lịch sử của nước láng giềng triều Mãn Thanh (Trung Quốc), cuối thế kỉ 19, thì phong trào Nghĩa Hòa Đoàn do Từ Hi Thái Hậu khởi xướng dâng cao, đã tắm máu nhân dân Trung Hoa, dân tình khốn khổ điêu linh, xác chết chật đường, đầy sông máu đỏ. Họ chạy dạt sang Việt Nam xin tị nạn...
Hiệp ước Bắc Bình của triều Mãn Thanh kí với thực dân Pháp đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đất nước bị chia làm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, rồi lục tỉnh Nam kỳ rơi vào tay giặc Pháp. Đào Tấn “Thậm cảm hưng vong chuyện nước nhà” luôn tin rằng trách nhiệm của một sĩ phu là khơi sáng lên ngọn lửa cứu nước khi đất nước suy vong, tạo điều kiện giúp cho những anh hùng cứu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu,… làm hạn chế sự lộng hành của lũ sâu dân, mọt nước, chém tên bồi Ba gian ác... Đào Tấn là một viên quan “tọa nha hành thiện” (Ngồi nơi cửa quan mà làm việc thiện).
Từ vua đến dân bị một cổ hai tròng. Ý chí tự cường, bất khuất trước khi bị đi đày của vị vua trẻ Thành Thái có ảnh hưởng rất lớn từ Đào Tấn: “Muôn dân nô lệ lầm than/ Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta/ Hỡi ôi! Mất nước tan nhà/ Cừu thù quốc sỉ ấy là nợ chung?” . An Nam bị biến ra người nô lệ.
Khi quan Đào Tấn ngồi Tổng đốc An Tịnh đã kết thân với ông cử Nguyễn Sinh Sắc trong buổi tiệc tân khoa.
Sau này ở Huế, cụ Thượng Tấn thường lui tới để tạo điều kiện giúp đỡ, đàm luận thời cuộc với thầy cử Nguyễn Sinh Sắc, sau là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (phụ thân của Bác Hồ) khi gia đình ở Huế. Câu chuyện ông Lê Văn kể với cụ Thượng Tấn và thầy cử Nguyễn Sinh Sắc khi ba người “tọa vị thu tâm” về nước Pháp, có sức cuốn hút kì lạ tới Nguyễn Sinh Côn (tên gọi Bác Hồ hồi nhỏ): “Đến Tây dương nước Pháp mới thấm thía về những điều trần của ông Nguyễn Trường Tộ như “đèn thắp từng dãy chúc ngọn xuống mà vẫn sáng, không chảy dầu ra; xe chỉ có hai bánh ngồi lên dập vo vo mà không ngã,...”. Tôi ngồi trong tàu thủy của họ đã thấy cái sang trọng, sự tân tiến, không thiếu một thớ gì như trong lâu đài vậy. Qua các đại dương sóng to, gió lớn, con tàu cày dài trên biển, người trên tàu cứ việc ăn, nghỉ như trên đất liền,...”
Cuộc đời dâu bể, giữa chốn quan trường sâu mọt, khí tiết trung quân, kiên cường vô hạn của Đào Tấn được thể hiện qua các tuồng tích mô tả những bậc anh hùng nghĩa khí, trung hiếu vẹn toàn, đượm chất bi ca hùng tráng...
Ngoài một Đào Tấn Tổng đốc, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Hình, Phủ Doãn còn có một Đào Tấn thi nhân, Đào Tấn nghệ sĩ tuồng, tác giả tuồng pho viết tuồng để khích lệ tinh thần tự tôn dân tộc, đấu tranh chống cường quyền,... nhằm “chữa bệnh” cho đời.
Trước khi diễn vở Tiết Cương tế thiết khâu phần ở nhà hát Duyệt Thị Đường cho vua Thành Thái ngự lãm, có người khuyên soạn giả là Án sát Đào Tấn bỏ bớt câu nhạy cảm trong vở. Đào Tấn nói: “Tôi đã viết ra nhân vật, tôi có bổn phận với nhân vật của tôi. Và, gánh hát của tôi đã diễn trước dân chúng xem thế nào thì cũng lại diễn trước Vua như vậy”. Vì Trương Như Cương cậu ruột của vua Thành Thái là Phụ chánh đại thần kiêm Thượng thư Bộ Lại, nhưng là tên mật thám hiểm độc số một cho Tòa khâm sứ. Làm thế nào để quất roi tuồng vào mặt hắn là việc rất khó. Vua Thành Thái ngự, cầm roi chầu điểm. Tên lính chạy ra: - Cấp báo... cấp báo… có tên… Cương… về… phá… thiết khâu phần.
- Thằng ...Cương... nào? Quan trấn thủ hỏi.
- Dạ ... bẩm... một ... thằng ... Cương... đó ... đã ...làm ...khổ ... thiên ...hạ... quan...còn ...muốn... có ... mấy... thằng ... Cương... nữa!
Vua Thành Thái đánh liền ba tiếng trống chầu khen. Đó là nhân cách của một kẻ sĩ! (*nhóm sưu tầm nghiên cứu Đào Tấn).
Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, tuồng có sức ảnh hưởng lớn kêu gọi đấu tranh chống áp bức, khơi gợi lòng yêu nước,… và đạt đỉnh cao ở thời Nguyễn “Bỏ cửa bỏ nhà vì mê hát bội”.
Không chỉ viết tuồng, Đào Tấn còn lập Học bộ đình đầu tiên ở Nghệ An. |Các ông bầu, kép hát ở Nghệ An, Bình Định được ông biên chế vào đội quân binh phục vụ dinh Tổng đốc, để họ có lương ăn mà học hát diễn! Có chuỗi tư tưởng, ý tưởng lớn chung cho các quản, bầu, kép hát trong một chủ đề lớn rất logic “Đào Tấn”. “Nghệ sĩ ư binh”, các bầu, kép hát lại là những người nhà binh, nhà nông trong một trật tự xã hội thật sự khoa học. Đó là cách “Báo đáp cho đời dễ trọn chăng”. Nó giúp giải quyết được lực lượng vũ trang tự vệ trong cung, ngoại phủ, nội phủ. Thực dân Pháp lúc này giảm lực lượng bộ binh của Nam triều để dễ bề khống chế.
Khi nghỉ hưu, Đào Tấn nghĩ cách khai hoang vùng đầm mặn thành ruộng, để dành cho số học viên nghèo cày cấy, có cái ăn học, trở nên những nghệ sĩ giỏi.
Sau gần 30 năm làm quan, Gosselin là một võ quan cao cấp thực dân Pháp nhận xét: “Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần” (L’Empire d’Annam).
Sang thế kỉ XX, dưới chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuồng là loại hình sân khấu đặc sắc được kế thừa và ngày càng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí |Minh khuyến khích phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống vốn quý của dân tộc. Người căn dặn phải cải tiến, nhưng “Chớ gieo vừng ra ngô”.
Nghệ sĩ Đào Mộng Long lớn lên ở cái nôi “Học bộ đình” xưa của cụ Thượng Tấn, lập ra gánh hát Nam Hồng đi diễn nghệ thuật truyền thống suốt từ bắc vào Nam, sang cả nước bạn Lào, Cam pu chia với nội dung mang đậm chất nhân văn thuần Việt đầy sáng tạo, khéo léo khích lệ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, tự hào dân tộc, ủng hộ Việt Minh... Nghệ thuật luôn mang đến cảm hứng sáng tác cho người nghệ sĩ, nuôi dưỡng tinh thần tự tôn dân tộc và mang tình yêu văn hóa nghệ thuật tới Việt kiều ở nước ngoài. Ta hiểu vì sao nghệ sĩ Đào Mộng Long giữ bền được vẻ thanh xuân vai diễn và vì sao ảnh chân dung Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long được treo ở các câu lạc bộ nghệ thuật Nhật, Liên Xô, ...
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” (Hồ Chí Minh).
Thắp hương Tổ nghề Sân Khấu (12/8/Âm lịch)
Trần Minh Thu