"Đạo mẫu" trong văn hoá tín ngưỡng dân gian Huế

10/02/2023 14:47

Theo dõi trên

Đạo Mẫu là nét văn hóa đặc sắc của người Việt thể hiện vị trí, vai trò cao quý của người phụ nữ, người mẹ (Mẫu) qua mọi thời đại đều được trân trọng.

dao-mau-hue-1675592672-1676015021.jpg

Trong sách Ô Châu Cận Lục (Dương Văn An - 1555) viết tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng Thuận Hóa - Phú Xuân là thờ “Tứ phủ”, khác với miền Bắc thờ “Tam phủ”. Ông miêu tả một buổi sinh hoạt cúng tế có chầu văn tại đoạn sông Kim Trà (tức điện Huệ Nam bên sông Hương) ngày nay. Trong sách “Thượng kinh ký sự”, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) cũng tường thuật lại một buổi lên đồng tại Kim Khê (Vinh, Nghệ An) vào năm Tân Sửu 1781. Sơ khởi, đạo Mẫu Thuân - Phú - Huế xuất phát từ hội “Sơn Nam” của những người từ Nam Định vào Huế thời tiền Nguyễn. Năm 1955, Hội Sơn Nam xin đổi tên thành “Hội Thiên Tiên Thánh Giáo Trung Việt”. “Thiên” là huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, Nam Định); “Tiên” là làng Tiên Hương tức thôn Vân Cát, làng An Thái, xã Kim Thái, Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi giáng trần lần thứ hai của Liễu Hạnh công chúa). Hiện nay tại 252 đường Chi Lăng TP. Huế có chánh điện của Đạo Mẫu hội Sơn Nam.

1-y-phuc-nu-cham-pa-1675592234-1676015062.jfif
Y phục của tín đồ xác lính vị thần nữ Chăm

Vùng Thuận Hóa - Phú Xuân thờ Thiên y A Na nữ thần người Chăm là một sự kiện chưa bao giờ có trong trong lịch sử. Năm 1915, tập san BAVH (Đô Thành Hiếu Cổ) đăng bài của H. Délétie tường thuật về cảnh tượng cúng bái trong điện Huệ Nam (còn gọi là điện Ngọc Trản) có tiêu đề: La fête du Ruoc-sac de la Déesse Thiên-Y-A-Na au temple Huê-Nam (Lễ rước sắc của nữ thần Thiên Y A Na ở điện Huệ Nam). Núi Ngọc Trản theo truyền thuyết là nơi Thánh mẫu Thiên y A Na giáng trần; cách cầu Tuần hiện nay khoảng 300m thuộc địa phận làng Hải Cát (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long sắc phong (hiện thờ ở điện Huệ Nam) ban cho Mẫu danh hiệu “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”. Sự kiên lịch sử này khẳng định “Thượng thiên Thánh Mẫu” trong Tứ phủ không phải là Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà là vị Thánh Mẫu “người Chăm” – Thiên Y A Na. Vua Ðồng Khánh còn đưa cuộc lễ tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm tại đây lên hàng quốc lễ.

2-y-phuc-cua-vi-than-dan-toc-1675592298-1676015100.jfif
Y phục của tín đồ xác lính vị thần người Chăm

Nói lên sự linh thiêng của Thánh Mẫu Thiên Y A Na trong dân gian lưu truyền một giai thoại về Ngọc Trản Sơn Từ kể rằng vua Minh Mạng một lần lên đây đã đánh rơi chén ngọc xuống sông Hương tưởng không cách gì lấy lại được; bỗng dưới sông một con rùa lớn bằng chiếc chiếu nổi lên miệng ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Vào tháng Ba và tháng Bảy âm lịch, lễ hội điện Huệ Nam tổ chức trong 3 ngày với nhiều nghi lễ hoành tráng. Những “xác lính” của Mẫu (đồng cô, bóng cậu) thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, khắp cả nước về đây.

3-y-phuc-nam-mang-hoa-1675592336-1676015144.jfif
Y phục của nam tín đồ mạng hoả
4-y-phuc-nu-mang-thuy-1675592383-1676015181.jfif
Y phục của nữ tín đồ mạng thuỷ

Không gian “hầu đồng” Huế có đến 12 giá hầu; tái hiện lại hình tượng các vị thánh từ “tứ phủ” xuống trần gian cứu nhân độ thế. Một đặc điểm hiếm có ở đạo Mẫu là tất cả các những ai mang “xác lính” đến đây đều bình đẳng. Từ ngôi sao giải trí hạng A, vị giáo sư tiến sĩ đến anh nông dân, chị tiểu thương đều bình đẳng, ai đến trước ngồi trước; không tổ chức thứ bậc; không phân biệt giàu nghèo.

6-le-hau-dong-tai-hue-1675592533-1676015239.jpg
Lễ hầu đồng Điện Huệ Nam được phủ sóng Internet sang Âu Mỹ 

Bên ngoài dân gian ở Huế làng xã nào cũng có điện, đền, am do tư nhân tự xây dựng bằng tiền bạc cá nhân; Một số gia đình vừa thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana, còn thờ Vân Hương thánh mẫu Liễu Hạnh; do tổ tiên họ từ Nam Địng vào. Tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Thuận Hóa- Phú Xuân có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt và Chăm; những điệu múa hát, y phục đan xen, tương đồng về yếu tố âm nhạc, vũ đạo và trang phục.

Vũ Hảo
Bạn đang đọc bài viết ""Đạo mẫu" trong văn hoá tín ngưỡng dân gian Huế" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.