Cỏ dại che lấp phần trên của di tích.
Trong hệ thống quần thể di tích cố đô Huế, có 5 đàn thờ thần, bao gồm: Đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Tịch Điền, đàn Tiên Nông và đàn Sơn Xuyên. Trong tổng số 5 đàn này, hiện tại chỉ còn đàn Sơn Xuyên là đàn thờ thần duy nhất còn tồn tại.
Theo sử liệu từ sách Quốc Sử Quán, đàn Sơn Xuyên được xây vào năm 1853 dưới thời vua Tự Đức. Trong sách Đại Nam Nhất thống chí có viết: “Đàn Sơn Xuyên (Huế) ở xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thuỷ, mặt hướng về Nam, thờ các vị thần núi cao sông lớn trong cõi”, hiện nay đàn nằm trong trường tiểu học Phường Đúc, đường Bùi Thị Xuân – TP Huế.
Dưới thời nhà Nguyễn đàn Sơn Xuyên được xây dựng tại 26 tỉnh thành trong cả nước để thờ thần sông, thần núi… Tuy nhiên, sau mỗi lần cúng tế tại đàn vào mỗi năm nhà Nguyễn lại cho triệt giải, phá đàn chứ không để về lâu dài sau này, duy chỉ có đàn Sơn Xuyên ở Huế là được giữ lại cho đến ngày nay.
Lý giải cho việc đàn Sơn Xuyên ở Huế còn tồn tại đến hôm nay, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An cho biết, trong số 26 ngôi đàn tế thần trên cả nước, đàn Sơn Xuyên Huế có lẽ mang tầm quan trọng về lễ nghi, quy mô xây dựng bề thế hơn cả, mặt khác lại nằm ngay tại vùng đất kinh kỳ. Nên có lẽ đó, là nguyên nhân khiến đàn Sơn Xuyên Huế còn tồn tại cho đến hôm nay?
Đàn được xây bằng gạch vồ được kết dính bởi đất và đá.
Án thờ tại đàn.
Đàn Sơn Xuyên được xây dựng theo lối hình vuông. Tường được xây dựng bằng gạch, được nén chặt bằng đá và đất, phía trên đàn được trồng thêm hàng cây vạn tuế vương và cây cảnh.
Đàn có hai tần, tầng trên cùng cao hơn 1m, dài 22m. Tầng dưới cao 0.5m, dài 45m. Theo các nhà nghiên cứu, đây chính là mô hình và là khuôn mẫu của đàn Xã Tắc.
Đàn Sơn Xuyên được bắt đầu cúng tế từ thời vua Tự Đức đến vua Thành Thái năm thứ nhất (1889). Sau đó, do những biến động của lịch sử cuối thế kỷ 19 nên việc cúng tế tại đây dần vào quên lãng.
Việc cúng tế được chia làm 2 lần: Xuân tế và thu tế (rơi vào khoảng tháng 2 và tháng 8 âm lịch hằng năm). Lễ tế thần bao gồm: 8 mâm hoa quả, 1 con heo, 1 con bò và một mâm xôi lớn, nhan đèn và vàng bạc. Khi đứng tế, tất cả các quan lại đều phải mặc quan phục khi thiết triều. Qua việc tế lễ, người dân cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi .
Trải qua thời gian và biến động lịch sử, đàn Sơn Xuyên chỉ còn trơ lại phần trên, cỏ dại và cây xanh đã lấp mất phần móng. Án thờ đã không còn như như nguyên mẫu mà được người dân xây dựng lại vào năm 1969.
Cô Hoàng Thị Gái – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học phường Đúc cho biết, vào năm 2014, trường đã xây dựng bật cấp để đi lên đàn, cũng như lót gạch men để dẫn lên án thờ. Hằng tháng, vào dịp rằm, nhân viên của trường lại đến để thắp hương và cúng viếng.
Hiện nay, đàn là nơi vui chơi của các em học sinh trong trường. Đàn cũng là cứ liệu quan trọng để Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành tái tạo và phục dựng đàn Xã Tắc về sau.
Duy Tân