Đàn Dơi trở lại chùa Dơi

21/09/2014 01:37

Theo dõi trên

Một thắng cảnh vừa lạ vừa quen, quen vì là chùa, lạ là chùa của người dân tộc Khmer có những sắc thái riêng rất độc đáo, mà lạ nữa là có vô số dơi.

news-1411238225-1650974337.jpg
Dơi quạ - ảnh tư liệu

Đó là những con dơi quạ, con lớn nặng từ 700 - 1.000g, cánh căng về hai phía dài từ 1,1m -1,5m, tốc độ bay nhanh nhất từ 50-60km/h. Loại dơi này ăn quả, nhưng quả chín của những cây trong khuôn viên chùa thì tuyệt nhiên không ăn bao giờ.

Là một trong tám di tích cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng, tên thật đúng của chùa là Wathserâytêchô - Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer).Về sau đồng bào Kinh và Hoa đọc trại từ Mahatup thành “Mã Tộc”. Cho nên cũng có nhiều người gọi là: “Chùa Mã Tộc”. Còn dân gian thì thấy sao đặt tên là vậy, đơn sơ rằng chùa này có nhiều dơi đến trú ngụ nên gọi là chùa Dơi, hiện nay, dơi càng lúc trở lại chùa càng nhiều.

Người dân quanh vùng kể lại rằng, dơi đi ăn suốt đêm đến bình minh quay về, chưa ai thấy dơi bay qua nóc ngôi chính điện. Đặc biệt hơn là dơi chỉ đậu trên những tán cây của khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu những tán cây bên ngoài, dù chỉ cách nhau bức tường rào. Sư trong chùa giải thích: Vì trong khuôn viên của chùa yên tịnh, gần gũi với thiên nhiên, lại nữa không bị săn bắt.

Đến viếng chùa có lần nghe kể rằng khoảng năm 1980, ông Thạch Chia là Đại Đức đời thứ 17 có tài nuôi và thuần dưỡng dơi, dơi quấn quít bên ông như chó, như mèo. Điều thú vị dơi ở lại phòng khách của ông khi ông đi vắng.

Đối với người Hoa thì con dơi là điềm phước, phước trong Phước-Lộc-Thọ, khi dơi đậu đầu quay ngược xuống đất là chữ phúc (phước) treo ngược, là: “Phú táo” tiếng phát âm của người Hoa (tức là: Phúc đáo là phúc đến). Theo thư tịch cổ chùa do ông Thạch Út đứng ra khởi công xây dựng năm 1569. Đến nay được trùng tu nhiều lần, năm 1960 chùa được sửa chữa lớn ở chính điện, chính điện bị cháy năm 2008, tháng 4 năm 2009 được phục chế lại như cũ.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì Sóc Trăng chiếm hơn 100 ngôi chùa trong đó chùa Dơi có kiến trúc đẹp vào bậc nhất, dù nét chung các họa tiết trang trí, điêu khắc, hội họa đều mang sắc thái văn hóa Khmer cổ. Công trình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể kiến trúc chùa Dơi là ngôi chính điện được xây dựng từ năm 1569 bằng gỗ, trên mái được lợp lá dừa nước, năm 1960 được thay đổi toàn bộ chất liệu. Bê tông đã thay thế gỗ, thay lá dừa nước bằng mái ngói. Chiều dài 20m8, chiều rộng 11m3; nền cao 1m bao quanh là đá kết xi-măng. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật theohướng Đông Tây. Đối với chùa Khmer cửa chính quay ra hướng Đông.Đặc biệt phần mái là gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau, với khoảng cách nhất định. Và đều có trang trí hình tượng con rồng ở các góc.      

Đến thăm chùa Dơi vào buổi chiều, trong cảnh u tịch của vườn cây xanh ngắt, nhưng không yên lặng bởi vì dơi rất rộn ràng, chi chít tiếng gọi đàn, tiếng vỗ cánh xào xạc, tạo nên bầu không khí khẩn trương vào việc. Từng đàn dơi, từng đàn dơi lượn bay trên bầu trời, hoàng hôn dần xuống sau vài vòng lượn như vẫy tay tạm biệt nơi treo mình chờ tối, chúng bay đi dần dần lẫn vào bóng đêm, chúng bay theo hướng đã định, bay  đi đường nào thì về đường ấy. Khi thời tiết tốt thì dơi bay cao, thời tiết xấu thì dơi bay thấp.Du khách đến viếng chùa đông nhất thường là vào dịp Thanh minh (tháng 3 Âm lịch), mùa hè và các dịp lễ Tết, mùng một và ngày rằm hằng tháng. Mỗi chiều chiều dân chúng quanh vùng đến thắp nhang cầu phước, trong khuôn viên chùa có miếu Bà Đen, theo truyền thuyết rất linh thiêng.

Ban ngày dạo bước trong khuôn viên rợp bóng mát của những cây cổ thụ, ngắm nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên tán lá, cảnh bình yên cho kẻ nhàn du, rũ bỏ bên ngoài cổng chùa những bộn bề toan tính, còn lại bên trong tấm lòng thanh thản, du khách cảm nhận được một cách đầy đủ ý nghĩa về một môi trường sinh thái trong lành, nơi mà con người cùng thiên nhiên như đang hòa vào làm một.

TS. Trịnh Công Lý - UVBCH Hội Sử học Việt nam - Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Sóc Trăng - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: “Vào năm 1999, chùa Mahatup được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Cũng trong năm đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định nghiêm cấm săn bắt, tiêu thụ dơi quạ trên địa bàn tỉnh, đến nay quyết định này ngày càng được tuyên truyền rộng rãi đến người dân địa phương, giúp người dân ý thức ngày càng tốt hơn để bảo tồn loài dơi quý. Nhờ vậy mà tình trạng săn bắt dơi dần được hạn chế.

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL MDEC - 2014 sẽ được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, chùa Dơi sẽ góp phần phục vụ cho du khách đi lại viếng thăm khu du lịch nổi tiếng đặc biệt bậc nhất của tỉnh. Vẻ đẹp của kiến trúc chùa Khmer lồng trong cảnh quan thiên nhiên thanh tịnh, với đàn dơi hiền lành hòa quyện vào nếp sống chân phương của cộng đồng dân tộc Khmer chất phát, đã để lại trong lòng du khách một sự bình yên khó tả, đến một lần để thưởng thức sự tao nhã, huyền bí và cũng để biết thêm một nền văn hóa, với nhiều lễ hội là điều cũng nên làm khi có dịp đến thăm Sóc Trăng.

Theo Báo Văn hoá
Bạn đang đọc bài viết "Đàn Dơi trở lại chùa Dơi" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.