Bia Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng có niên đại cuối thế kỷ XV, hiện lưu giữ tại Khu di tích Lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Bia có chiều rộng 1,90m, cao 2,76m, dày 0,28m được đặt trên bệ là một cụ rùa có chiều dài 2,65m, rộng 1,89m, cao 0,69m, với trọng lượng toàn bộ lên tới gần 13 tấn. Bia được dựng trên một gò đất giữa một thung lũng nhỏ, cách Lăng Vua Lê Thánh Tông khoảng 150m về phía Đông Nam.
Bia được làm từ một tấm đá xanh nguyên khối, nhiều vân, tạo cảm giác bề thế, vững chãi khi nó được đặt trên bệ là một cụ rùa vô cùng sinh động trong tư thế ngẩng cao đầu.
Bia Chiêu Lăng ghi lại thân thế, sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông, một vị vua có công lao lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Các sử gia xưa khi đánh giá về ông có viết: Lê Thánh Tông là một người nổi tiếng thông minh, tài giỏi nhất trong số các vị vua Việt Nam nói chung và các vua thời Lê Sơ nói riêng. Những cải cách chính trị, kinh tế, giáo dục, quân sự, văn hóa của ông đã đưa quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ nhất trong các triều vua thời Lê, với mỹ danh “Hồng Đức Thịnh thế" và có ảnh hưởng lớn tới khu vực lúc đương thời. Văn bia đã phần nào nói được công lao to lớn ấy của ông, theo đó, nó thực sự là một pho sử vô cùng có giá trị còn lại đến hôm nay.
Như vậy đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 8 bảo vật quốc gia. 7 bảo vật đã được công nhận, gồm: Bia Vĩnh Lăng, Trống đồng Cẩm Giang, Kiếm ngắn núi Nưa, Tượng cây đèn hình người, Tượng hai người cõng nhau thổi kèn, Vạc đồng Cẩm Thủy, Tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
(Theo vanhoadoisong.vn)