Nghệ thuật xòe Thái là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái, bắt nguồn từ lễ Xên Pang (Lễ tạ ơn), mọi người cầm tay nhau nhảy múa xung quanh mâm cúng, sau đó phát triển thành điệu xòe quanh cây nêu, quanh đống lửa như ngày nay.

“Xòe” theo tiếng Thái nghĩa là múa, Nghệ thuật xòe Thái được hiểu là nghệ thuật trình diễn các điệu múa dân gian của dân tộc Thái, qua các điệu múa giúp người thưởng thức hiểu được nét đẹp văn hóa đặc trưng của một dân tộc. Từ lâu, Nghệ thuật xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca để lưu giữ và mô tả về nét văn hóa giàu sắc thái bản địa và vẻ đẹp độc đáo trong loại hình nghệ thuật này.
Nghệ thuật xòe đã trở thành phong tục của người Thái, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, nó cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. Nghệ thuật xòe được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau và trở thành biểu tượng của tình đoàn kết. Không những thế, Nghệ thuật xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc. Nghệ thuật xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng nó không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.
Nghệ thuật xòe Thái là loại múa đồng diễn, múa đông người, múa tập thể. Đội hình thường gặp là vòng tròn, hai hàng dọc ngang có thêm nhảy đổi chỗ cho nhau. Trong số những điệu Xòe của nghệ thuật xòe Thái, xòe vòng là điệu xòe không hạn chế về số người tham gia, động tác đơn giản nhịp nhàng, múa mà không cần có đạo cụ, chỉ là cái nắm tay ấm áp tình người và chân bước theo nhịp điệu xòe. Còn lại những điệu xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe chai là những điệu xòe mang tính chất biểu diễn, bắt buộc phải có nhạc cụ, đạo cụ, giới hạn người tham gia, có đội hình, có biên đạo và thường được sử dụng nhiều trên sân khấu.
Có thể nói, xòe đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Đối với tỉnh Điện Biên, Mường Lay là nơi ghi dấu về sự phát triển của những điệu xòe.