Đặc sắc lễ hội Dinh Thầy Thím Bình Thuận

12/10/2016 15:21

Theo dõi trên

Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng 9 âm lịch, tại Dinh Thầy Thím đều diễn ra lễ hội lớn nhân ngày giỗ Thầy Thím. Vào dịp này, rất đông người dân địa phương và du khách đến Dinh để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình và công việc làm ăn của mình được thuận lợi.

Lễ hội

Bên cạnh nhưng nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng miền biển như giải việt dã, thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, biểu diễn lân – sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc. Ngoài ra, Lễ hội còn có các chương trình tạp kỹ, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ từ TP.Hồ Chí Minh.


   

Ảnh: Baodulich.net.vn

 
Theo Ban Tổ chức, công tác tổ chức đã cơ bản hoàn tất. Hiện, thị xã tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống điện, vệ sinh môi trường, tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, quản lý giá cả trong thời gian trước, trong lễ hội. Được biết, mỗi năm Lễ hội dinh Thầy Thím thu hút khoảng 200.000 lượt khách đến viếng, dâng hương tại dinh và kết hợp tham quan, nghỉ ngơi tại thị xã La Gi.
   
Tương truyền

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ  giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan ức, nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn.
    
Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy được một người giúp việc của Thầy. Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hoá cả thú rừng là nỗi nơm nớp  lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế. Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ. Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy - Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người.

Tỏ lòng nhớ công đức của Thầy – Thím, nhân dân địa phương chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế. Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Tới đây chúng ta không chỉ tham gia lễ hội mà khi đến tham quan quần thể thắng tích này, người ta vẫn còn tìm gặp được nhiều di tích gắn với những truyền thuyết về vợ chồng đạo sĩ như: bốn ngôi mộ bằng cát trắng của Thầy Thím, đôi Bạch Hổ – Hắc Hổ nằm không xa Dinh. Dinh Thầy Thím vẫn như một mái ấm của dân làng Tam Tân từ hàng trăm năm qua và rồi để những ai trở về đây như tìm về một chốn bình yên cho tâm hồn.  


Linh Linh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc lễ hội Dinh Thầy Thím Bình Thuận " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.