
Vị chuyên gia nói thêm, “những quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được học tập, phổ biến đến tận cấp phường, xã từ hơn hai thập kỷ nay, chứ không phải mới ngày hôm qua mà bảo còn lơ mơ về luật. Lãnh đạo Phòng, ban chức năng có trách nhiệm bảo vệ di tích thì năm nào cũng được tập huấn, nghĩa là họđã được “chà đi xát lại” không biết bao nhiêu lần về những quy định hiện hành, thậm chí còn đọc vanh vách hết văn bản này sang chỉ thị khác. Và nữa, các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành quy định phân cấp quản lý di tích đến tận cơ sở rất rõ ràng, cụ thể… Thế nhưng vì sao di tích, danh thắng vẫn bị xâm hại một cách nặng nề như thế?”.
1. Vào Google, gõ mấy chữ “xâm hại di tích” thì chưa đầy một phút sau đã cho ra kết quả khiến không mấy ai tin: Khoảng 11.200.000. Thống kê này có thật sự chính xác không thì chưa thể xác định được, nhưng cũng đủ để những ai quan tâm, đau đáu với vấn đề này thấy rằng, vấn nạn xâm phạm, xâm hại di sản đang ở mức độ nào. KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích khi nghe đến con số “thống kê” ấy đã phải thốt lên, “như thế thì nó đang trở nên phổ biến rồi. Thật đau lòng”.
Vậy đâu là nguyên nhân? KTS Lê Thành Vinh “chốt” ngay, đó là nhận thức và trách nhiệm của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng và phòng ban của cấp quận, huyện đang thực sự có vấn đề. Đầu tiên là họbuông lỏng quản lý đến mức khó có thể chấp nhận được. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại đình Lương Xá (Hà Nội). Di tích này chỉ cách trụ sở UBND xã vài trăm bước chân nhưng lãnh đạo chính quyền ở đó dường như “làm ngơ”. Phòng VHTT huyện cũng biết là dân làng sẽ làm lại đình nhưng tỏ ra thờ ơ theo kiểu trả lời bằng văn bản cho xong, sau đó mặc kệ. Còn trách nhiệm của họthì như thế nào, xin thưa đã được quy định rất cụ thể đến mức chi tiết. Nhưng ai cũng biết, việc quy kết trách nhiệm trong những vụ việc như thế này trước sau gì cũng là… “qua loa”.

2. PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lại nêu lên một nguyên nhân khác cũng rất đáng suy nghĩ: Thái độ “im lặng đáng sợ” của không ít cấp ủy Đảng, chính quyền nơi có di tích bị vi phạm đã, đang là thái độ phổ biến - đó là điều đáng tiếc, đáng buồn. Khi phát hiện chủ đầu tư đang xây dựng cổng, hệ thống cầu thang dẫn lên đỉnh núi Cái Hạ (Tràng An-Ninh Bình), Ban quản lý và cơ quan chức năng đã vào cuộc yêu cầu tạm dừng; năm lần bảy lượt gửi văn bản đến UBND huyện Hoa Lư phải có trách nhiệm can thiệp, xử lý. Song, những động thái được cho là quyết liệt đó chẳng thấm vào đâu, và công trình vẫn cứ mọc lên. PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam gọi những hành vi trên là “quá coi thường pháp luật”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, tình trạng xâm phạm, xâm hại di tích với những mức độ khác nhau dường như năm nào cũng xảy ra. Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt và đề ra nhiều biện pháp xử lý. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và dư luận báo chí, xã hội bày tỏ thái độ phản ứng gay gắt, yêu cầu làm rõ trách nhiệm đến cùng. Phải chăng, tình trạng này không thể ngăn chặn được?

3. Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) nhìn nhận, qua những vụ việc xâm hại nghiêm trọng di tích, danh thắng trong thời gian gần đây mà dư luận phản ánh thấy nổi lên vấn đề: Chủ đầu tư, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cố tình không thực thi nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hoá. Biết rõ ràng làm như thế là sai nhưng họđều “phớt lờ”. Ban quản lý di tích, các phòng ban chức năng của quận, huyện và chính quyền địa phương trong những vụ việc cụ thể nêu trên đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát việc bảo vệ di tích.
“Quan điểm của chúng tôi là phải kiên quyết tháo dỡ những công trình vi phạm, gây phương hại đến di tích để trả lại giá trị cho di sản. Những cá nhân, tổ chức và đơn vị có liên quan phải bị xử lý trách nhiệm một cách thoả đáng, chứ không phải chỉ là rút kinh nghiệm”, ông Thành nói. KTS Lê Thành Vinh cũng thẳng thắn, đã đến lúc các tỉnh, thành phố cần phải xem lại việc phân cấp quản lý di tích trên địa phương của mình. Mặc dù việc phân cấp là đúng và đã giao trực tiếp cho từng xã, phường, quận, huyện quản lý, thế nhưng sau khi giao mà không kiểm soát được, trách nhiệm lại không rõ ràng thì sự phân cấp đó không mang lại hiệu quả, hiệu lực.

Đứng ở một góc độ khác, nhà sử học Dương Trung Quốc lại nói, ngày xưa yếu tố văn hoá tâm linh có sức tác động đến suy nghĩ và cách hành xử của người ta ghê gớm lắm, nhất là đối với công trình đình chùa, miếu mạo. Cũng vì thế mà muốn can thiệp dù nhỏ nhất đến di tích thì họhành xử rất đúng mực. Còn bây giờ thì sao, không nói ra thì ai cũng biết. “Sở dĩ có người nói, phải chăng họđã nhờn luật nên mới có những hành động vi phạm như vậy. Tôi thì cho rằng, do chúng ta quản lý và xử lý chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền buông lỏng quản lý thì còn biết nói làm sao nữa”, nhà sử học Dương Trung Quốc lý giải.
Tình trạng xâm phạm, xâm hại di tích, danh thắng đã được đề cập rất nhiều lần và trên nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn và đẩy lùi nó chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó đáng kể nhất chính là trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Nói cách khác, việc xử lý trách nhiệm đối với việc để xảy ra vi phạm di tích từ trước đến nay chưa bao giờ làm hài lòng dư luận, nghĩa là vẫn cứ rút kinh nghiệm cho xong.
Bởi vậy, để bảo vệ thì chỉ còn cách là phải “mặc áo giáp” cho di tích như đề xuất của một chuyên gia chăng?
"Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của địa phương. Di tích nào bị xâm phạm thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm. Mà phải xử lý trách nhiệm cho thật nghiêm chứ đừng trách nhiệm chung chung, làm theo kiểu “xin rút kinh nghiệm”. Có như thế thì di tích mới phần nào được bảo vệ". (Nhà sử học Dương Trung Quốc).