Cựu tù Phú Quốc mê ví giặm

23/11/2016 15:38

Theo dõi trên

Bằng tình yêu ví giặm cháy bỏng, cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Viện đã nương náu tâm hồn mình trong những làn điệu say đắm, để rồi gần trọn cuộc đời ông là hành trình học hỏi, trau dồi và viết nên những tác phẩm làm say lòng người.


Ông Nguyễn Văn Viện, xóm 7, xã Phúc Thành (Yên Thành) chơi được hầu hết các loại nhạc cụ, như: sáo, nhị, đàn nguyệt...

Lão nông Nguyễn Văn Viện tuổi đã cao nhưng vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của người lính cụ Hồ. Từ lúc tóc còn để chỏm, cậu bé Viện thường theo anh trai mình đi xem biểu diễn văn nghệ và tham gia tập luyện cùng anh trai nên ông sớm mê ca hát từ nhỏ, đặc biệt là tình yêu với các làn điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Thuở ấy ông đã tập tành thổi sáo, đánh đàn rồi biết chơi thành thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc. 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Viện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Ông được điều vào chiến trường Quảng trị chiến đấu. Tháng 1/1973, trong một trận chiến quyết liệt với quân địch, ông không may bị địch bắt làm tù binh, ông cùng nhiều đồng đội bị đày ra nhà tù Phú Quốc khét tiếng tàn khốc.

Gần 10 ngày sau khi ông Viện bị đày ra đảo thì Hiệp định Pari được ký kết, nhờ vậy quân địch nới lỏng chế độ tra tấn. Trong thời gian bị giam cầm ở Phú Quốc ông Viện may mắn gặp nhạc sỹ Phan Miêng nổi tiếng thời bấy giờ, và được nhạc sỹ tận tình chỉ dạy thanh nhạc. Với niềm đam mê và năng khiếu sẵn có, ông Viện học đến đâu nhớ đến đó, chẳng bao lâu mà hoàn thành "sơ cấp" thanh nhạc ngay trong tù.

Sau khi được trao trả, ông Viện trở về đơn vị cũ, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính đơn vị giao phó, trong vai trò là bí thư chi đoàn, ông luôn đi đầu phong trào văn hóa, văn nghệ của đơn vị và vinh dự dành được danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua quân khu. Năm 1979 ông phục viên trở về địa phương.



Ông Viện miệt mài sáng tác.

Kể từ đây ông bắt đầu dành nhiều thời gian, tâm huyết cho niềm đam mê ca hát. Là một trong những hạt nhân quan trọng nhất của phong trào văn nghệ ở xã Phúc Thành, ông vừa đóng vai trò là người sáng tác, đạo diễn rồi kiêm luôn cả diễn viên trực tiếp lên sân khấu phục vụ khán giả. Mặc cho cuộc sống mưu sinh bộn bề, sau mỗi ngày cày cuốc lo việc đồng áng, ông Viện đều dành thời gian cùng các thành viên trong CLB dân ca ví giặm Phúc Thành luyện tập vào mỗi dịp lễ, hội.

Hơn 30 năm tham gia phong trào văn nghệ ông đã sáng tác hàng trăm bài thơ, bài hát, kịch, hoạt cảnh dân ca, trong đó nhiều nhất là hoạt cảnh dân ca ví giặm. Nhiều bài hát của ông được nhân dân yêu thích và hết lời khen ngợi với ca từ mộc mạc, chân chất, đằm thắm, thiết tha như bài Phúc Thành quê tôi, Cánh én đồng chiêm…; đặc biệt hầu hết các hoạt cảnh dân ca do ông sáng tác, dàn dựng đều đạt giải cao trong các hội diễn, liên hoan ở Yên Thành. Nội dung chủ yếu của các hoạt cảnh dân ca do ông sáng tác ca ngợi tình yêu quê hương, sự đổi thay từng ngày của mảnh đất Phúc Thành, ca ngợi người tốt việc tốt và phê phán thói hư tật xấu ngay trong xóm làng...



 
Từ đam mê của mình, ông Viện luôn mong muốn được truyền lại cho thế hệ trẻ.

Với mong muốn trao truyền niềm đam mê dân ca ví giặm cho các thế hệ trẻ ở làng, ông còn đứng ra thành lập CLB văn nghệ cho xóm 7. Thành viên CLB đều là những nông dân chân chất và các cháu nhỏ có chung niềm đam mê với ví giặm quê nhà. Chưa kể, vào dịp địa phương tổ chức các hội thi, hội diễn, ông lại tất bật đến đội văn nghệ của từng xóm hỗ trợ mọi người luyện tập không quản trời mưa gió.

Ông Trần Văn Thành, Ban văn hóa xã Phúc Thành cho biết: “Hiếm có một người nào có tâm huyết với dân ca ví giặm như ông Viện, hơn 30 năm qua, dù cuộc sống khó khăn nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình. Phong trào văn hóa, văn nghệ của xã chúng tôi luôn đứng đầu tốp của huyện là nhờ có những con người tâm huyết, đam mê như ông”./.

(Theo Báo Nghệ An)

Lan Thái
Bạn đang đọc bài viết "Cựu tù Phú Quốc mê ví giặm" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.