Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023 nhằm phát hiện và tôn vinh tài năng nghệ thuật Cải lương; kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật; qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật Cải lương và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật Cải lương phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội.
Đồng thời, thông qua cuộc thi cũng nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên Cải lương kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Cải lương phục vụ nhân dân.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trần Hướng Dương, cuộc thi được tổ chức đúng vào dịp Ngày giỗ Tổ sân khấu, ngày giỗ Tổ có ý nghĩa thiêng liêng đối với những người làm nghệ thuật, là dịp để các nghệ sĩ thành kính dâng hương lên Tổ nghiệp, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị, góp phần làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với những quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, lòng tri ân khán giả đã đồng hành cùng nghệ sĩ trong công cuộc bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu.
"Cuộc thi Tài năng Diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023 được kỳ vọng sẽ tìm ra đội ngũ kế cận, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Cải lương, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, phục vụ tốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước" - ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 63 thí sinh đến từ 24 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Thí sinh tham dự cuộc thi cần đáp ứng các điều kiện sau: Là công dân Việt Nam đủ 18 đến 45 tuổi tính đến năm tổ chức Cuộc thi (độ tuổi tính theo Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân đang có hiệu lực).
Số lượng thí sinh của đơn vị đăng ký dự thi không quá 06 người; trong cùng một tiểu phẩm,trích đoạn không quá 02 thí sinh đăng ký dự thi; Là diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân; là giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (đối với thí sinh hoạt động ngoài công lập phải có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến năm tổ chức cuộc thi).
Cá nhân đã đạt giải nhất hoặc huy chương vàng trong các Cuộc thi Tài năng Diễn viên Cải lương trước đây do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức không tham gia dự thi.
Thí sinh dự thi tuân thủ Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tuân thủ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, các quy định của pháp luật hiện hành và quy chế cuộc thi. Chấp hành lịch thi và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi do ban tổ chức sắp xếp; Không diễn lại vai diễn mà mình đã đạt giải trong tiểu phẩm, trích đoạn tại các cuộc thi và vở diễn trong Liên hoan Cải lương trước đây do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Mỗi thí sinh dự thi 01 tiểu phẩm, trích đoạn có thời lượng không quá 25 phút; trường hợp 02 diễn viên cùng dự thi một tiểu phẩm, trích đoạn thì thời lượng không quá 35 phút. Thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật Cải lương. Khuyến khích vai diễn trong tiểu phẩm, trích đoạn sáng tác mới, có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao các giải thưởng theo quy định của Quy chế chấm, xét giải./.