Lầu Khải Tường như một toà lâu đài ở Âu châu thời Trung cổ
Lịch sử Cung An Định
Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này) đã lập phủ riêng, đặt tên là phủ An Định. Đến sau khi lên ngôi, vào năm 1917 Khải Định đã dùng tiền riêng để cải tạo lại theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi. Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau).
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu cung An Định. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng, đến nay di tích cung An Định đã được phục hồi trùng tu một cách khá nguyên vẹn như xưa. Riêng chỉ có nhà hát cửu tư đài đã bị đặt mìn phá sập vào tháng 2 - 1947 và hiện nay đang có dự án phục dựng lại trong tương lai.
Nơi giao thoa kiến trúc Đông - Tây
Khác với Kinh thành Huế, lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn và các Phủ,Đệ. Cung An Định được thiết kế theo một nét riêng biệt.
Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Cổng Chính nằm giữa mặt tiền của khuôn viên, cửa cung là một công trình kiến trúc hai tầng được xây bằng vôi gạch và trang trí rất phong phú bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ và thủy tinh nhiều màu. Cả hai mặt trong và ngoài đều thể hiện các hình ảnh rồng, phượng, lân, hổ, túi thơ, bầu rượu, hoa lá, cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán nằm đối xứng nhau. Với cách xây các cặp trụ giả theo dạng vuông hoặc tròn mô phỏng phong cách nghệ thuật Roman và với những đề tài trang trí truyền thống như thế, các nghệ nhân của công trình này đã kết hợp hai dòng mỹ thuật Đông - Tây lại với nhau rất thành công.
Đình Trung Lập nằm ở sau cửa cung và chính giữa sân, đình Trung Lập là một công trình kiến trúc nhỏ nhắn và xinh xắn có mặt bằng hình bát giác được xây trên hai tầng nền và được che bởi hai lớp mái giả làm theo dạng cổ lầu. Lớp mái dưới có 8 cạnh, lớp trên chỉ còn 4. Mười hai mảng mái đều xây giả ngói ống thanh lưu ly. Mười hai bờ quyết đắp nổi 12 con rồng nhìn ra 4 phương 8 hướng. Trên nóc chắp thiên hồ (Bầu rượu). Quanh 8 phía tầng dưới đều để trống, cho nên trông rất thoáng.
Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung An Định. Chữ Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành), tên lầu là do vua Khải Định đặt. Tòa nhà khá đồ sộ, ba lầu, trông giống như một toà lâu đài ở Âu châu thời Trung cổ. Vào thời điểm xây dựng lầu Khải Tường, nền văn hóa của Tây phương nói chung, nền mỹ thuật Pháp nói riêng đã ảnh hưởng đến Việt một cách mạnh mẽ. Ảnh hưởng ấy đã thể hiện rất rõ ở lầu Khải Tường, từ vật liệu xây dựng, phong cách kiến trúc đến nghệ thuật trang trí nội ngoại thất.
Mặt tiền của tòa nhà lầu, đặc biệt là ở gian giữa, là nơi được trang trí phong phú nhất. Phần lớn các mô - típ trang trí ở đây đều lấy từ Tây phương, như chùm nho, bình hoa, thiên thần có cánh, trụ tròn, trụ vuông, v.v.... Tuy nhiên, các nghệ nhân đương thời đã phân bố các hình ảnh trang trí này thành ra có mảng chìm, mảng nổi, mảng tối, mảng sáng, làm cho chúng trở nên mềm mại và sinh động.
Có thể nói cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển. Có giá trị rất cao về kến trúc và mỹ thuật.