Cụm Di tích nghè Diêm Phố - điểm đến văn hóa tâm linh

11/03/2017 16:06

Theo dõi trên

Cụm Di tích nghè Diêm Phố (thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc), nhưng do xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) quản lý được xây dựng trong một quần thể kiến trúc hài hòa có Tam quan đồ sộ, mang đậm bản sắc Á Đông. Từ lâu, nơi đây luôn là điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn của người dân xứ biển.

Dựa vào cuốn dư địa chí Diêm Phố - Ngư Lộc và theo thần phả Diêm Phố (Linh tích Cổ Lục) của các vị tiền nhân để lại, từ ngàn đời nay nơi đây đã có ngư dân đến lập ấp ở Xứ Cồn Bò (Cửa Linh Trường) và đặt tên cho làng mình là Diêm Phố. Trải qua hơn 8 thế kỷ, người dân Ngư Lộc vẫn kiên trì vươn khơi bám biển, tiếp nối nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Qua những dấu tích về vật chất và thư tịch cổ để lại quần thể di tích nghè Diêm Phố chứa đựng một hệ thống di tích thờ tự phong phú gồm: Nghè Thánh Cả (đền Cả thờ tứ vị thánh Nương), Chùa Liên Hoa, đền thờ thần Cá Ông (Ngọc Lân thần), miếu kỷ niệm năm bão gõ (thờ 334 ngư dân của làng tử nạn trên biển năm 1931), đền thờ Nẹ Sơn (thờ đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn)... hệ thống di tích phong phú, có giá trị tinh thần, vật chất to lớn nên tháng 4/1991 quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa - nghè Diêm Phố được công nhận là DTLSVH cấp tỉnh - một điểm đến tâm linh của người dân các xã ven biển Hậu Lộc và du khách.Trải qua biến cố thời gian, lịch sử và xâm thực nước biển, cụm di tích nghè - chùa -phủ - miếu Diêm Phố được di chuyển nhiều lần và hiện tại được đặt trên địa bàn thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc). Vào những ngày rằm, mùng 1, dịp lễ, tết, người dân quanh vùng lại nô nức đến đây cầu mong biển lặng, sóng êm, mưa thuận, gió hòa để người dân ra khơi bội thu tôm cá.




Tháp chuông Tam Quan cụm di tích nghè Diêm Phố.

Để tôn vinh những giá trị tinh thần to lớn của cụm di tích và nhằm khơi dậy truyền thống văn hóa của địa phương, Lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ tên Lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố được bắt đầu từ ngày 21 tháng 2 đến ngày 24 tháng 2 Âm lịch. Các vị thần được tôn vinh, lễ bái ở lễ hội này là Tam Bảo Phật, Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân... Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Ngư Lộc, đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa. Năm 2005, Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã được Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.



Lễ hội kéo Tiền Phướng chùa Liên Hoa diễn ra vào 15 tháng Giêng.


Đặc biệt, nằm trong Cụm di tích nghè Diêm Phố còn có chùa Tam Bảo, thờ Phật. Khu Tam Bảo được các mạnh thường quân phát tâm công đức xây dựng năm 2008. Sư trụ trì Tam Bảo, Đại Đức Thích Nguyên Lương cho biết: Chùa Tam Bảo được xây dựng trong cụm khu di tích nghè Diêm Phố, tuy nhiên chùa có một khuôn viên riêng biệt phù hợp với tính chất của chùa. Cùng với tín ngưỡng sùng bái thờ thánh thần, cư dân Ngư Lộc cũng rất chú trọng việc thờ Phật, đặc biệt là các cụ già trong xã. Ngày rằm, hay mùng một, người dân trong xã đều lên chùa lễ Phật, người biết kinh thì tụng, người không biết kinh thì khấn nôm cầu Phật ban cho sức khỏe, bình an, đặc biệt là may mắn trong nghiệp đi biển.

Cùng với quần thể di tích nghè, chùa, miếu, phủ, đền Diêm Phố, khu Tam Bảo là điểm đến tín ngưỡng tâm linh hấp dẫn của người dân xứ biển.


Xuân Hương

Nguồn: vanhoadoisong.vn
Bạn đang đọc bài viết "Cụm Di tích nghè Diêm Phố - điểm đến văn hóa tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.