Cụ Lô thắp hương trong mộ chúa
Từ đắp đê đến bảo vệ lăng chúa
Cụ Nguyễn Lô (85 tuổi) hiện sống tại thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh TT. Huế, đã dành hơn nửa đời người của mình để chăm sóc phần lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Thái như chăm sóc chính lăng mộ người thân trong gia đình. Ở cái tuổi xưa nay hiếm của mình cụ vẫn đều đặn ngày này qua ngày khác vào thắp hương và chăm sóc khu mộ của chúa.
Năm 1976 sau khi chiến tranh kết thúc, cụ Nguyễn Lô cùng với vợ của mình lên vùng đồi núi thuộc xã Hương Thọ khai khẩn đất hoang phát triển kinh tế mới. Thật bất ngờ và như một cơ duyên đã định sẵn mảnh đất mà cụ canh tác lại nằm gần với khu lăng của chúa Nguyễn Phúc Thái, tuy nhiên lúc đó ông lại không hề hay biết đây là lăng mộ của chúa Nguyễn.
Ông nói: “Năm đó là năm 1976, tui đi kháng chiến về và lên đây canh tác. Một hôm tui đang phát cỏ để làm đất thì tìm thấy một khu thành, lúc đó cứ nghĩ là lăng mộ của nhà mô đó vì cây cối mọc um tùm. Cái hôm tui tìm ra lăng chúa tui cũng không biết vì cây cỏ phủ hết cả, mấy hôm sau tui mới lên phát hoang thì khu lăng mộ này mới hiện ra”.
Khoảng thời gian sau khi phát hiện ra khu lăng mộ của chúa ngày nào ông Lô cũng vào làm cỏ, phát quang cây dại, một thời gian sau dưới bàn tay của ông khu lăng mộ của chúa Nguyễn dần hiện ra một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Ông kể, ngày mà ông vừa vào khai phá ở đây thì vùng này chỉ là một vùng đồi hoang, rất ít người ở, với cây cỏ dại um tùm. Khu tường thành sụp đổ hoàn toàn, trâu bò của một vài hộ dân sống gần đó phóng uế bừa bãi. Con đường dẫn vào khu mộ của chúa hầu như không có, muốn vào đó phải lội qua một con mương mà nước của nó “tới ngang lưng quần”.
Năm 1976, trong quá trình khai phá đất trồng trọt, ông làm luôn một con đê từ đường cái vào lăng chúa. Con đê này dài 300m, bề ngang rộng 1.5m, sâu 5m. Con đê này một mình ông làm trong suốt 7 năm đến năm 1983 thì hoàn thành. Để có đất làm con đê này ông phải bạc đất của một ngọn đồi gần đó rồi lấy xe “rùa” vận chuyển vào.
Ông nói: “Ngày tui làm con đê ni mấy người trong hội cựu chiến binh vô hỏi tui lấy cái gì mà làm, thì tui nói lấy tay mà làm thôi, cuốc xẻn với thêm chiếc xe “rùa”. Còn ăn thì tui chỉ ăn ngô, khoai sắn để làm, hồi đó ai cũng nói tui rảnh nên làm việc bao đồng, nhưng tui bỏ ngoài tai mấy lời đó, ai nói gì thì kệ họ thôi”.
Đến năm 1992, ông lại tiếp tục cải tạo con đê này bằng cách làm thêm hệ thống cống thoát nước tránh gây ngập úng, cũng như đào thêm hệ thống ao hồ dùng để tưới cây mà ông trồng trong khuôn viên của lăng chúa.
Khoảng cuối năm 1994 đầu năm 1995, có một nhóm trộm mộ vào đào mộ của chúa đã bị ông phát hiện. Hôm đó vào nữa đêm ông đi canh mấy chòi cá của mình gần khu lăng của chúa Nguyễn thì ông nghe thấy tiếng động phát ra từ khu vực tẩm mộ của chúa, ông lại gần thì phát hiện có 4 kẻ đang đào trộm mộ, ông liền tri hô và hét lớn để người dân sống cạnh đường cái nghe, nghe ông hét lớn bọn trộm liền bỏ chạy vào sâu trong ngọn đồi.
Ông nhớ lại: “Lúc bọn trộm đi thì tui tới để xem thì chúng đã khoét một lỗ trên tẩm mộ rồi, nhìn kỹ có thể thấy nắp quan tài, tui nghĩ bọn ni nó muốn lấy vàng vì chúng đâm một cây gậy sắc xuống nắp quan nhằm phá quan tài”. Sau lần đó ông dựng luôn một căn chòi nhỏ để ở và bảo vệ lăng chúa. Cứ thế, ban ngày lão nông này lại làm việc đồng áng tối đến lại ra ngủ để bảo vệ lăng chúa.
Gia đình ba đời trông coi lăng vua chúa
Ông Lô cho biết thời ông nội của ông đã từng chăm sóc và trông coi lăng của vua chúa nay đến ông thì đó cũng la cái duyên, cái “nghiệp” mà gia đình ông phải làm lấy. Nghĩ như vậy nên ông càng thấy mình phải có trách nhiệm với hơn để nối nghiệp cha ông. Năm 2004, dòng dõi Nguyễn Phước tộc hệ thứ 6 của chúa Nguyễn Phúc Thái lên đây để tiến hành cải tạo và xây dựng lại lăng của chúa, ông Lô hết mình giúp đỡ, góp ý để xây dựng lăng mô sao cho phù hợp với thổ nhưỡng và phong thủy. Hằng đêm ông vẫn đi kiểm tra quanh khu vực lăng, cũng như kiểm tra vật liệu xây dựng có bị kẻ giang lấy mất hay không.
Kể từ năm 2009 do sức khỏe có phần yếu đi nên ông giao lại việc chăm sóc và hương khói cho cậu con trai đầu của ông là anh Nguyễn Kim Cường, nếu một ngày ông nằm xuống thì anh Cường sẽ là người mang trọng trách trong coi lăng chúa.
Anh Cường nói: “Chừ việc trong coi lăng của chúa giống như là “nghiệp” của gia đình tui rồi nên ba tui mà không làm được nữa thì tui sẽ làm thay ông, không những tui mà đời con cái tui vẫn sẽ làm, tính đến đời của tui thì gia đình tui đã là ba đời trong coi lăng chúa rồi”.
Ngày 10 tháng giêng hằng năm là ngày giỗ của chúa, vào ngày này những thành viên trong dòng dõi của chúa Nguyễn Phúc Thái lại về nhà anh Cường để lo việc đám giỗ, và họ cũng không quên ơn người đã bỏ hơn nửa đời người chăm sóc cho tổ tiên của họ. Những lúc đó món quà lớn nhất mà ông nhận đươc chính là những lời cảm ơn, động viên cũng như lời chúc sức khỏe từ con cháu của chúa Nguyễn.
Nhìn lại suốt quãng đời làm việc của mình bây giờ trong tay ông đã có hơn 3000m2 đất rừng, 3ha rừng tràm, 5 hồ cá, 1ha cao su… mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ông vẫn hay nói đùa rằng những gì ông có trong tay đến bây giờ không chỉ xuất phát tư nỗ lực của bản thân ông mà còn do “chúa phù hộ, cho lộc”.
Chúa Nguyễn Phúc Thái là người tuyên chiếu dời đô từ phủ Kim Long về Phú Xuân (cố đô Huế), thâm tâm ông muốn nhiều người biết đến khu mộ của chúa nhưng khổ nỗi đường xá lại khó đi, không thông thoáng.
Nói đến chúa Nguyễn Phúc Thái, ông Lô kể tường tận rằng đây là vị chúa rộng rãi, tuy trị vì chỉ 4 năm nhưng ông là người biết trọng người tài, thương dân. “Sống được ngày nào tui sẽ cố gắng trong coi và bảo vệ khu lăng này, tui chết đi thì con tui làm, con tui già thì cháu tui sẽ làm. Làm không phải vì tiếng tăm mà bởi vì dòng họ Nguyễn Kim của tui có cơ duyên với nghiệp coi lăng”, ông nói và nhìn về tẩm mộ của chúa.