Cù Lao Chàm: Bảo tồn di sản thiên nhiên bền vững dựa vào cộng đồng

16/09/2015 10:09

Theo dõi trên

Để bảo tồn thiên nhiên một cách bền vững cần dựa vào cộng đồng. Nhằm giữ gìn hệ sinh thái, Cù Lao Chàm là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện hành động “nói không với túi nilon”



 Cù Lao Chàm - Nguồn: dulichculaochamvn.com

Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) gồm 8 đảo nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Nơi đây còn được biết đến với các tên gọi khác là Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La, Pa-lau-cham, diện tích khoảng 15 km2 với gần 3.000 dân sống gần như biệt lập với đất liền.

Thiên nhiên đã ưu ái cho Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, cây cối 4 mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Với 1.549 héc-ta rừng tự nhiên và 6.716 héc-ta mặt nước, Cù Lao Chàm mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Khu bảo tồn Cù Lao Chàm là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá, sinh vật nhuyễn thể, các rạn san hô, các thảm rong, cỏ biển và các loài hải sản có giá trị cao. Không chỉ thế, nơi đây còn có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Theo thống kê của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hiện Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái, trong đó có 2 loài được ghi vào sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.

Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm còn chứa trong mình các hệ văn hóa từ xa xưa để lại như: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, cùng với các di tích đã chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa Cù Lao Chàm với các nước trong khu vực và là điểm neo đậu của các thương thuyền quốc tế trong hành trình con đường tơ lụa trên biển. Qua các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây trên 3000 năm, nơi đây còn là nơi sinh sống của các cư dân cổ xưa. Đây thật sự là một địa điểm lý tưởng để khám phá. Bên cạnh các di tích khảo cổ là sự tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã miền Trung nước ta. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù lao Chàm, được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17 - 18 như đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền Hiền, miếu Thần Nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm, chùa Hải Tạng… là những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do thói quen sử dụng túi ni lông hằng ngày của người dân là một “vấn nạn” nhức nhối, một thách thức lớn không chỉ đối với riêng Việt Nam mà cả thế giới. Việc người dân, du khách vô tư sử dụng, vứt bỏ túi ni lông ở bất cứ nơi đâu, nhất là những nơi công cộng, trên sông, và trên biển đã gây ra hậu quả là rác thải tràn ngập khắp mọi nơi làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Cù Lao Chàm cũng không ngoại lệ., lượng người đến du lịch cứ ùn ùn, rác thải cũng tràn ngập theo, túi ni-lông nổi lềnh bềnh trên biển. Chưa kể đến là nguồn rác thải sinh hoạt của người dân đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh và xuống biển, rác từ đất liền theo sóng tấp vào bãi biển, kè đá làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường.

Để bảo tồn thiên nhiên một cách bền vững cần dựa vào cộng đồng. Nhằm giữ gìn hệ sinh thái, Cù Lao Chàm là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện hành động “nói không với túi nilon”; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sinh sống trên đảo làm du lịch cộng đồng (homestay); tăng cường tuyên truyền, vận động du khách tham gia phần việc bảo tồn bằng cách ứng xử đúng… Chính quyền thành phố Hội An và xã đảo Tân Hiệp cũng đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Chính quyền địa phương đã phát túi sinh thái tự hủy, cấp miễn phí gần 3.000 giỏ nhựa để đựng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, các tổ kiểm tra cũng được thành lập để thường xuyên nhắc nhở, vận động người dân dùng các loại giấy, túi lưới, đặc biệt xây dựng được bản cam kết với từng hộ gia đình và các phương tiện lữ hành vận chuyển khách ra Cù Lao Chàm.

Giờ đây, khi đến Cù Lao Chàm, du khách mới hiểu vì sao một nơi bốn bề nước bọc, cách đất liền hàng chục cây số lại được mệnh danh là “hòn ngọc xanh”. Túi ni lông vắng bóng trên Cù Lao Chàm đã làm hồi sinh những dải san hô quanh đảo, các loại hải sản cũng vì thế mà sinh sôi, trả lại cho biển màu xanh trong vắt dưới nắng gió miền Trung.

Có thể nói, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trở nên xanh-sạch-đẹp là nhờ sự đồng lòng rất lớn giữa chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác gìn giữ, bảo vệ môi trường cho di sản.Di sản thiên nhiên gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, bảo tồn di sản chính là bảo vệ cuộc sống của con người cho nên di sản này cần được bảo tồn và khai thác một cách hợp lý. Phương pháp dựa vào cộng đồng để bảo vệ di sản là một cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai phía người dân và di sản.

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Cù Lao Chàm: Bảo tồn di sản thiên nhiên bền vững dựa vào cộng đồng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.