Công tác đền ơn đáp nghĩa - Ghi nhận từ Nghi Lộc

27/07/2014 20:13

Theo dõi trên

Trong hai cuộc chiến tranh vĩ đại, nhân dân Nghi Lộc đã kiên cường bất khuất cùng với nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước.

Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, thời gian qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, phòng LĐ, TB&XH huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã tập trung tham mưu, đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Thời gian này, phòng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7.

Trong hai cuộc chiến tranh vĩ đại, nhân dân Nghi Lộc đã kiên cường bất khuất cùng với nhân dân cả nước anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước. Góp sức mang lại hòa bình như hôm nay, các thế hệ nhân dân Nghi Lộc đã đổ biết bao xương máu, hi sinh biết bao tính mạng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn in đậm trong tâm khảm của bao người. Vẫn còn đó những nỗi đau chiến tranh trong các gia đình chính sách, có công với cách mạng.

Hồi tưởng lại quá khứ, Nghi Lộc càng tự hào với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha, anh. Bằng tình cảm và trách nhiệm làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công, tri ân những người đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập dân tộc. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được xã hội hóa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân huyện nhằm huy động mọi nguồn lực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Những hoạt động đó đã thể hiện sự biết ơn sâu sắc của cán bộ nhân dân huyện nhà với các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu vì tổ quốc, đồng thời phần nào góp phần xoa dịu nỗi đau do chiến tranh mang lại.

Những năm qua, phòng LĐ, TB&XH huyện đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền, phối hợp với các ban ngành đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên, chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; Kịp thời rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; Huy động CBCNVC, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn dân tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa… Trên lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi người có công, phòng đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm, như: Thực hiện chi trả chế độ, chính sách kịp thời, đầy đủ, tận tay đối với người có công với cách mạng theo chính sách quy định hiện hành; rà soát lại những đối tượng người có công để thực hiện chế độ, hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng một số hạng mục công trình tri ân liệt sĩ. Cùng với đó, ngành phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo điều kiện để gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân nơi cư trú. Đặc biệt, quan tâm đến các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công với cách mạng sống đơn thân...

Trong 6 tháng đầu năm 2014, phòng đã tổ chức tiếp nhận 520 hồ sơ đề nghị chuyển đổi chế độ trợ cấp với người nhiễm chất độc gia cam; giải quyết mai táng cho 239 người có công với cách mạng, hỗ trợ 43 trường hợp thân nhân thăm mộ liệt sỹ với số tiền 99.330.000 đồng; chi trả 1 lần cho 26 thân nhân người có công theo nghị định số 89/NĐ - CP; cấp lại 117 bẳng tổ quốc ghi công cho các liệt sỹ; cấp 11.400 thẻ bảo hiểm cho đối tượng có công với kinh phí 400 triệu; lập hồ sơ, giải quyết chế độ địch bắt, tù đày cho 14 đối tượng; tổ chức cấp quà tết cho 15.500 người có công với cách mạng với kinh phí 2.391.100 nghìn đồng; chi trả trợ cấp cho 35.133 lượt người với số tiền 48.446.084 nghìn đồng; xét duyệt hồ sơ trợ cấp ưu đãi cho học sinh sinh viên là con người có công với cách mạng 367 suất với kinh phí gần 2 tỷ; cấp mới 25 sổ ưu đãi học sinh, sinh viên, 25 thẻ thương bệnh binh; trình duyệt xét trang cấp năm 2013 cho 93 thương, bệnh binh. Bên cạnh đó, phòng cũng phối hợp với MTTQ tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt về các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến các chính sách thương binh, liệt sỹ; phối hợp với các ban ngành tiến hành ra soát 2930 gia đình, hỗ trợ làm mới 36 nhà, tu sửa 13 nhà; đã lập hồ sơ, trích sổ, ra quyết định giải quyết giải quyết chế độ trợ cấp cho liệt sĩ, phối hợp với đoàn thanh niên cơ quan quân sự, các ban ngành đoàn thể cấp huyện, cấp xã tổ chức thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ huyện.

Kế thừa và phát huy kết quả đạt được và kỷ niệm 67 năm ngày thương binh, liệt sĩ, phòng đã lên kế hoạch cụ thể, chi tiết. Trong đó, công tác tuyên truyền được thực hiện sớm với nhiều hình thức phong phú. Qua tuyên truyền đã nêu gương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; các điển hình của các đối tượng có công với cách mạng thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng. Cùng với tuyên truyền, phòng phối hợp thực hiện tốt việc chăm sóc người có công với cách mạng; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trong dịp 27/7, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng tiêu biểu với số tiền gần 1,5 tỷ đồng, tôn tạo sửa chữa nghĩa trang huyện, tặng sổ tiết kiệm, công trình tình nghĩa. Việc chi trả kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công cũng được phòng chú ý. Cùng với thắp nến tri ân như thường niên, lãnh đạo huyện tổ chức thắp hương tại các nghĩa trang Trường Sơn, đường 9, mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp và nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc, thăm tặng quà cho 2 đơn vị: Khu điều dưỡng thương binh 4 và Khu điều dưỡng thương binh tâm thần tại Nghệ An...

Trao đổi với phóng viên phuongnam.net.vn, ông Nguyễn Văn Bá – Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện cho biết: “Hiện tại nhân sự làm việc còn mỏng, trong khi đó khối lượng công việc lại quá lớn, mặc dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nghuyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, một số chế độ chính sách của nhà nước, đặc biệt chế độ về chất độc hóa học, có quá nhiều văn bản được ban hành và thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc thực hiện”.

Qua tìm hiểu công tác đền ơn đáp nghĩa tại thực tế tại địa phương chúng tôi cũng biết thêm, một số đối tượng có tham gia hoạt động cách mạng nhưng do mất hoặc thất lạc giấy tờ nên đến nay vẫn chưa được hưởng các chính sách ưu đãi. Vì thế, các cấp, các ngành cần quan tâm, có những giải pháp để giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho họ. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công là việc làm có ý nghĩa được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tuy nhiên nguồn ngân sách trên triển khai xuống còn chậm, nhu cầu nhà ở của những gia đình này lại hết sức bức thiết. Do đó cần có những điều chỉnh kịp thời để thực hiện tốt các chính sách đưa ra.

Kỷ niệm 67 năm ngày thương binh, liệt sĩ là dịp cán bộ, nhân dân huyện ôn lại những gì mà mình đã làm được đối với người có công, để làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do và phát triển như ngày hôm nay có sự hy sinh xương máu của không ít đồng bào, chiến sĩ trong cả nước, trong đó có những người con yêu dấu của quê hương Nghi Lộc. Càng tự hào về quê hương anh hùng bất khuất cán bộ và nhân dân huyện nói chung và phòng LĐ, TB&XH huyện nói riêng càng cố gắng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với người có công để mong bù đắp một phần hết sức nhỏ nhoi vào sự hy sinh to lớn vĩ đại của họ…

Đình Cảnh
Bạn đang đọc bài viết "Công tác đền ơn đáp nghĩa - Ghi nhận từ Nghi Lộc" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.