Cổng làng - Nét văn hóa truyền thống dần mai một

28/09/2017 16:05

Theo dõi trên

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Mỗi cổng làng đều có nét kiến trúc riêng, tồn tại hàng trăm năm nay. Đó không chỉ là công trình kiến trúc cổ mang giá trị lịch sử văn hóa mà còn thể hiện hồn quê, cốt cách của con người ở mỗi làng xã Việt Nam. Thế nhưng,ngày nay, cổng làng ở nhiều nơi “đua nhau” mọc lên với đủ loại to, nhỏ, không có kiểu nào giống kiểu nào khiến cho những nét văn hóa xưa đang dần mai một.



Nét cổ kính, nguyên sơ còn giữ lại

Cổng làng - nét văn hóa truyền thống đẹp

Cổng làng có từ bao giờ, câu hỏi này không dễ trả lời nhưng có lẽ nó xuất hiện cùng lúc với sự hình thành của làng xóm, và tập trung nhiều ở châu thổ Bắc Bộ. Vì ngày xưa, làng là một quần thể dân cư nhỏ, sống tập trung với nhau, thường khá cô lập với thế giới bên ngoài. Trong làng, chỉ để một, hai lối đi chính và từ đó, có cổng tiền và cổng hậu. Cổng tiền mỗi buổi sáng mở ra cho bà con ra đồng làm việc, đón ánh nắng ban mai, mong cầu sự thuận lợi của thiên nhiên cho mùa màng tươi tốt, tối về bằng cổng hậu để khép lại một ngày làm việc cực nhọc, và khép lại bóng tối đằng sau.

Khi đất nước có chiến tranh, cổng làng được dựng lên để làm chiến lũy chống giặc ngoại xâm. Khi hòa bình lập lại, cổng làng như một sự khẳng định chủ quyền địa giới, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Cổng làng cũng chính là điểm tựa của mỗi người con xa quê, khi nhớ về quê hương là nhớ về cổng làng trầm mặc, rêu phong bên gốc đa, giếng nước. Không gian kiến trúc của làng quê yên bình và sâu nặng nghĩa tình quê hương in đậm trong chính nét kiến trúc tinh tế mà mộc mạc của cổng làng.

Đằng sau cổng làng là những số phận, những cuộc đời gắn bó với nhau, với những tục lệ, truyền thống riêng trong cái chung của cộng đồng dân tộc, khiến cho làng còn được xem như một ngôi nhà lớn của những nếp nhà nhỏ, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần cho mỗi thành viên trong đó.

Những cổng làng đầu tiên được làm bằng tre, nứa, có nơi, người dân uốn cong thân cây lại thành những chiếc cổng tự nhiên tuyệt đẹp. Bên cạnh cổng làng có điếm canh, ngày cổng mở để dân làng đi lại, đêm làng cử người canh ở điếm, kiểm tra người lạ vào làng. Khi văn hóa Pháp xâm nhập vào nước ta, mang theo nó những vật liệu xây dựng mới như vôi, vữa, đã tạo điều kiện cho cổng làng được hiện diện dưới hình thức mới, nghệ thuật dân gian cũng có thêm cơ hội được thể hiện trên chất liệu mới này. 

Theo năm tháng, nhiều cổng làng được xem là di sản văn hóa, nghệ thuật, là đỉnh cao trong kiến trúc của ngôi làng Việt, phản ánh lý tưởng và chiều sâu của văn hóa cộng đồng, từ mỗi chiếc cổng làng, ta hình dung ra bộ mặt của làng xã, phía sau đó là một xã hội thu nhỏ. Cổng làng không chỉ tồn tại gắn bó với nhiều thế hệ dân làng mà còn mang ý nghĩa trong sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của con người sinh sống nơi đây. Có thể nói, cổng làng là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Những nét kiến trúc, những đại tự, câu đối trên cổng làng đều có ý nghĩa dạy bảo con cháu mỗi lần đi về đọc để hiểu, để làm người. Những chữ nghĩa trên cổng làng còn để cho những người khách của làng hiểu phong tục, tập quán của làng. Các cụ có câu “nhập hương vấn tục”, đến một làng, nhìn chữ ở cổng làng để biết phong tục của làng, lễ hội, hương ước, tình cảm trong họ hàng của làng ra sao.
 


Cổng làng xưa sừng sững “bảo vệ dân làng” hàng trăm năm tuổi



“Lũy tre thấp thoáng đàng xa
Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng
Trong lòng bỗng thấy xốn xang
Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời...”

Nét đẹp văn hóa đang dần biến mất

Điều đáng tiếc cho đến nay chỉ còn lại rất ít cổng làng cổ xưa, một phần do cát bụi thời gian, nhưng phần lớn lại liên quan đến nhận thức của những người đang được thừa hưởng di sản văn hóa dân tộc. Theo năm tháng, cổng làng trở thành cổ kính, rêu phong, phai mờ dần những câu đối cổ mà ông cha đã gửi gắm tinh hoa vào đó. Nhiều cổng làng cổ bị phá bỏ, xây mới hoặc bị lấn chiếm che khuất. Lý do đơn giản là không phù hợp với giao thông và cuộc sống chật chội như bây giờ, đập đi xây mới to hơn, rộng hơn để thuận lợi cho việc đi lại. Ngược lại, còn có những làng mới đổ bê tông đường làng, sợ ô tô đi vào hỏng đường nên xây cổng mới tận ngoài cánh đồng, khiến chiếc cổng làng cổ kính trở nên cô độc, chơ vơ. Khi mất đi những giá trị văn hóa, chúng ta luôn có lý do đổ thừa cho hoàn cảnh thực tại, vì cuộc sống mưu sinh gấp gáp nên không còn thời gian để nhìn lại mình đang làm gì.

Và cũng bởi vì không có mẫu chuẩn và quy định chặt chẽ nên việc xây dựng cổng làng thường tùy tiện. Làng nào muốn đẹp, khác kiểu thì đi tham khảo ở các nơi khác hoặc trên các trang mạng rồi quyết định, nhưng cũng có những làng do con em xa quê ủng hộ toàn bộ nên mọi việc cũng được họ lo liệu cả. Cùng với đó, nhận thức của người dân về văn hóa còn chưa sâu nên kiến trúc, kiểu dáng của những chiếc cổng làng mới khá đa dạng, phong phú và hiện đại với nhiều chi tiết “thừa”, “thiếu” khiến cho cổng làng trở nên mới mẻ, khác lạ. 
 


Bây giờ, đi qua cổng làng to lớn, ta thấy mình thật nhỏ bé (Cổng làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu được xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng).

Các cụ ngày xưa chọn nơi dựng cổng sau một thời gian nghiên cứu kỹ càng, vừa là nơi đẹp nhất của làng vừa hợp với phong thủy thì vận làng mới phát, dân không gặp tai ương lại thuận tiện cho giao thông đi lại của làng. Bây giờ hầu hết những cổng làng xây mới chỉ chú ý đến giao thông thuận lợi mà không nghĩ đến những vấn đề khác. Trên cổng làng cũng long, cũng phượng và còn nhiều thứ rườm rà khác, nhưng những con vật linh thiêng ngày xưa nay biến thành những hình thù kệch kỡm bởi màu sơn xanh, đỏ lòe loẹt, không thể hiện được tinh hoa văn hóa mà tạo cảm giác phản cảm. Chúng ta đã không lĩnh hội hết được tinh hoa của cha ông để lại. Bây giờ, đi qua cổng làng to lớn, ta thấy mình nhỏ bé, không còn cảm giác giản dị thân thương. Vẫn biết rằng cuộc sống đã khác trước, lớp trẻ bây giờ học hỏi được nhiều cái mới nhưng có lẽ cái mới chưa học được tới nơi tới chốn thì đã đánh mất hết cái cũ. Lớp trẻ không hiểu về giá trị truyền thống nên đang dần đánh mất truyền thống rồi đến lúc chúng ta chẳng biết mình là ai, mình từ đâu tới.

Vẫn biết rằng, chức năng của làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp nên cần được cách tân cho hợp với sự phát triển của làng quê ngày nay. Tuy nhiên, làng vẫn là làng chứ không thể là phố, cổng làng được ví như hồn cốt của làng, ngoài ra nó còn mang những giá trị văn hóa to lớn. Vì vậy, cổng làng cần được nghiên cứu và thiết kế phù hợp, không cần thiết phải xây to, hoành tráng gây lãng phí mà xây làm sao phải giữ được nét riêng và toát lên được cái hồn quê là đủ.
 
Minh Thụ

Bạn đang đọc bài viết "Cổng làng - Nét văn hóa truyền thống dần mai một" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.