Nhà Mạc định đô ở Cao Bằng từ năm 1592 đến 1683, 91 năm (?), gần một thế kỷ. Thời kỳ đầu mọi mặt còn hùng hậu: Về quân sự, các vua Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ đã hơn một lần kéo quân về xuôi uy hiếp Thăng Long. Hai quả chuông Đà Quận, quả lớn cao 1m, 75 là chứng cớ sự hùng hậu về kinh tế - kỹ thuật và khí thế quyết thắng (lời bài minh trên chuông). Kỳ thi hội ở Cao Bình, lấy nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu (trạng nguyên) là thành tựu to lớn về giáo dục và văn hóa...
Con rồng bảo vệ, ở trên ngọc tỷ truyền ngôi nhà Mạc. Ngọc tỷ bằng bích ngọc, nặng 11kg
Nhưng vế sau, kể từ khi thua trận ở vương phủ Cao Bình là bắt đầu thời kỳ suy thoái. Hoàng hậu và hai công chúa Mạc Thị Hoa Lan, Mạc Thi Hoa Tiên giữ tròn khí tiết đã nhảy xuống sông tự tử. Các vị đã được nhân dân sùng kính, muôn đời thờ phụng (ở Vương phủ, Cầu Khanh và ở Hoàng Thành-Cao Bằng).
Tháng 8-1677 Đinh Văn Tả đánh Nà Lữ, nhà Mạc lui về cố thủ Phục Hòa. Tướng Đinh quyết tiếp đánh Phục Hòa. Giai đoạn này là bối cảnh lịch sử của câu chuyện bi hùng về công chúa Mạc Thị Tuyết Lan.
Công chúa có một bà nhũ mẫu ở Bắc Cạn. Khi quân nhà Lê chiếm được Bản Phủ Cao Bình, bà cùng con gái và công chúa Tuyết Lan chạy trốn về vùng hồ Ba Bể, Chợ Rã (Bắc Cạn). Được biết phụ thân còn chiến đấu ở Phục Hòa, công chúa và con gái bà nhũ mẫu rủ nhau trốn lên đây, sau nhiều ngày lặn lội, đói rét mới đến được bờ sông Bằng ở Phiêng Lâu, bị quân nhà Lê bắt được. Hôm ấy, quan chưởng độ Đinh Văn Tả đang thị sát ở đồn tiền tiêu, nghe tiếng ồn ào ra xem thấy đám lính đang vây quanh hai cô gái trẻ. Một cô mặt tái mét, mắt nhắm nghiền nằm sõng soài trên vệ cỏ. Còn cô kia hoảng hốt lay gọi kêu cứu. Quan chưởng đô ra lệnh khiêng cô này vào trong lán, đắp nước lạnh trên trán. Đến chiều cô gái tỉnh lại trình bày với quan Đinh Văn Tả rằng, hai cô là hai chị em, bố mẹ đã mất, ở với người họ hàng. Họ định gả bán hai cô. Không ưng hai cô bỏ trốn, đi đường bị đói nhiều bữa, một cô say vì ăn lộc quả vả.
Động lòng thương, quan Tả nhận hai cô làm thị nữ. Hai cô lạy, tạ ơn cứu mạng, hầu quan Tả rất tận tụy, làm đẹp lòng chủ nhân.
Được biết tin con gái bị bắt đang sống ở nơi đóng quân của Đinh Văn Tả, vua Mạc Kính Vũ vào một đêm trăng thanh ở nơi bến sông Phục Hòa nhìn sang bên kia sông- nơi con mình bị giam cầm, chạnh lòng làm một bài thơ rất lâm ly thống thiết rồi sai người bí mật mang thơ đến cho công chúa Tuyết Lan, tức Tiên Giao. Nàng đọc thơ hiểu ý phụ hoàng và quyết làm theo ý Ngài.
Công chúa hát lượn hay và giỏi lại đẹp như tiên sa; lựa dịp thuận lợi, nàng tìm lời khuyên Đinh Văn Tả bớt tàn bạo, để dân được nhờ. Nhờ vậy mà Đinh Văn Tả, nhẹ tay không thực hiện chính sách tam quang (đốt sạch, giết sạch, phá sạch) như chỉ thị của Lê- Trịnh. Công chúa còn bàn với tướng Tả: “ Quân Mạc đã đến nước đường cùng, nên lấy khoan dung tạo lối thoát. Nếu tiến công nhau thì “cùng quá hóa liều”, đôi bên đều tổn thất”. Công chúa lại có sáng kiến đề nghị với tướng quân họ Đinh tổ chức giao lưu vui chơi giải trí giữa binh lính với dân bản: cùng vui cày cấy, cùng vui chơi múa hát. Hai cô được giao tổ chức múa hát trong những đêm trăng sáng, hiện nay còn tồn tại tiếng hát lượn Slương, lượn Nàng Hai (nàng trăng).
Vua Lê ở kinh thành được mật báo, nghi ngờ tướng Tả do có hai lòng nên cứ nấn ná, trù trừ chưa đánh thành Phục Hòa ; bèn ra lệnh phải hạ thành Phục Hòa dứt điểm trong mùa gặt 1685. Tướng Tả chỉnh đốn quân ngũ, định ngày xuất quân, công thành. Bất ngờ, đang đêm hai cô nữ tỳ của tướng Tả nhảy xuống sông tự vẫn. Cô chị để lại bức thư nói rõ là công chúa của vua Mạc, cô thứ là bạn kết nghĩa. Hai cô vì chịu ơn cứu mạng của tướng Tả, được tướng tin cậy, nếu không ủng hộ chủ đánh thành Phục Hòa là bất nghĩa, mà ủng hộ để chống lại cha mình là bất hiếu, bất trung. Trước tình cảnh bế tắc không lối thoát, bèn kết liễu đời mình, để giãi bày tấm lòng với trời đất.
Tướng Tả bùi ngùi thương tiếc, lùi thời gian tiến công 100 ngày, tổ chức lễ tang trọng thể cho hai cô. Thời gian này tướng Tả cử lão Bộc làm sứ giả bí mật sang thành Phục Hòa thuyết phục nhà Mạc tự giải giáp. Ông cam kết tạo mọi điều kiện để họ tôn thất vua Mạc tìm nơi ẩn tích, hàng binh được đối xử tử tế, cấp tiền gạo cho về quê làm ăn bình thường.
*
Sau đó, Phiêng Lâu, nơi công chúa bị bắt, gặp tướng Tả lúc mới đến Phiêng Lâu, có miếu thờ hai chị em công chúa Tiên Giao (tức Tuyết Lan).
Ở xã Hòa Thuận, thị trấn Phục Hòa hiện nay, bà con lấy ngày 18-2 hằng năm là ngày hội , để tưởng nhớ đến công ơn tướng Đinh Văn Tả, đã biết nghe theo công chúa Tuyết Lan, nên có chính sách ôn hòa, nhờ đó không xảy ra chiến tranh to, nhân dân được sống hòa bình; và để lưu niệm về cuộc đời bất hạnh của công chúa Mạc Thị Tuyết Lan, nặng tình hiếu trung mà buông mình xuống sông để bảo toàn hiếu nghĩa. (Nguyễn Xuân Toàn http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Cong-chua-Mac-Thi-Tuyet-Lan-nang-nghia-hieu-trung-42184.html Nguyễn Xuân Toàn).
*
Thưa bạn đọc,
Lịch sử nước nhà đã trang trọng ghi nhiều tấm gương sáng chói của bao bậc nữ lưu anh hùng. Hai Bà Trưng đã làm dậy sóng 65 thành đánh đuổi quân Tô Định, Bà Triệu cưỡi đầu voi giữ bắt cá kình giữa biển khơi, đánh tan quân Ngô. v.v…
Riêng công chúa Mạc Thị Tuyết Lan lại trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bà bị địch bắt, từ tình thế bị bắt, bà không để cho quân thù khuất phục mình, mà ngược lại đã thuyết phục tướng giặc, khiến cho ông ta giảm bớt tàn bạo giết chóc, bớt hao tổn xương máu của quân mình và cả bên kia. Bà lại bày ra việc đem lại những cuộc vui chung cho dân bản cùng binh lính, mà ngày nay bài ca tiếng hát thanh bình còn truyền lưu mãi mãi,…Thật không ngờ, trong thân thể mảnh mai, yểu điệu ấy lại ẩn chứa một tinh thần can trường, dũng cảm, một trí tuệ thông minh sáng tạo ,tuyệt vời như vậy. Bà thật xứng đáng là hậu duệ của các bậc tiên linh, tiên đế họ Mạc: Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Mạc Thải Tổ, Mạc Thái Tông, Mạc Kính Điển, Mạc Ngọc Liễn, Thái hoàng Thái hậu Mạc Thị Ngọc Toàn,v.v…. Nên nhớ lúc bấy giờ bà mới 20 tuổi xanh.
Trên đây là câu chuyện xẩy ra 336 năm xưa, lịch sử trộn lẫn với huyền tích.
Vỹ thanh
Còn ngày nay, tháng 10 năm 2016, mấy anh em chúng tôi được hướng dẫn đến một khu vườn chùa, một trang trại bên bờ sông Hồng vùng trung du, cây cao bóng cả , um tùm xum xuê. Nơi đây là chốn an nghỉ muôn đời của công chúa Mạc Thị Tuyêt Lan. Thế là nghĩa thế nào?
Bà giải đáp rằng: Chính bà là Mạc Thị Tuyết Lan mấy thế kỷ xa xưa. Thực tế là lúc bấy giờ bà không mượn dòng nước để kết liễu cuộc đời. (bên ta phao lên như vậy để đánh lạc hướng ), mà Bà đã mật báo với quan gia nhà Mạc đưa Bà lên thuyền xuôi về nơi đây.
Lại thêm một sự thông minh sáng tạo nữa.
-Còn người bạn gái con bà nhũ mẫu, tên là gì và bây giờ an nghỉ ở đâu? Bà cho biết:
-Em được gọi là Nàng Hai, hiện nay yên nghỉ tại đây, bên ta.
Thân mẫu ta họ Nguyễn Đình, tên là Công Sinh, thứ phi của phụ hoàng. Về đường con gái, Bà có hai người, đều có tên Lan, chị là Chính Lan, ta là Tuyết Lan.
*
Thời gian sau bà buồn phiền vì số phận nhà Mạc, lâm bệnh và tạ thế ngày 27 tháng Ba Âm, duệ hiệu Tiên Công. Nhà Mạc tổ chức tang lễ rất trọng thể và mai táng theo nghi thức vương gia, ướp xác với đầy đủ quan quách.
*
Chúng tôi vô cùng vinh dự, tự hào và cảm thấy vinh quang được quỳ lạy dâng nén tâm hương, dưới chân Bà-một bậc nữ lưu anh hùng vô song của đất Việt.
Tùy bút lịch sử của Phan Đăng Nhật