Cụ thể, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này bao gồm: Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng (Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn); Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày (Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn); Trò diễn Pôồn Pôông của người Mường (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa); Nghi lễ Cấp sắc của người Dao (tỉnh Sơn La); Lễ cúng dòng họ (Tu su) của người Mông (tỉnh Sơn La); Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng chầm đao) của người Dao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của Người Tà Ôi (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đặc biệt, với Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng và Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày đã giúp tỉnh Bắc Kạn có hơn 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: “Chữ viết của người Dao”, “Lễ cấp sắc của người Dao”, “Chữ Nôm của dân tộc Tày”, “Lượn SLương của dân tộc Tày”, “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”, “Lễ hội Lồng tồng Ba Bể”; “lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao”; “Nghệ thuật Khèn Mông”; “Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắc khoăn) của người Nùng”; “Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày”…
Việc công nhận các di sản văn hóa phi vật thể trên sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
(Theo langvietonline.vn)