ảnh minh họa (nguồn internet)
Lễ cầu an và hội hoa đăng trên dòng sông Lục Đầu cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay với hàng trăm chiếc đèn hoa được thả. Tham dự những nghi lễ này, du khách không chỉ được sống trong bầu không khí thiêng liêng, tưởng nhớ tới người đã khuất, cầu mong cho cuộc sống hiện tại bình an; mà còn khơi dậy niềm tự hào, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng xây và giữ nước.
Phần hội năm nay có nhiều trò chơi dân gian: Múa rối nước, kéo co, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, đi cầu khỉ, nhảy bao bố… và các màn biểu diễn nghệ thuật dân gian như: hát chèo, quan họ, ca, múa, nhạc… Tại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tổ chức liên hoan múa rối nước Hải Dương lần thứ sáu cùng giải đua thuyền chải tỉnh Hải Dương.
Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước; xuân, thu nhị kỳ đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại và trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn
Côn sơn – Kiếp Bạc in đậm dấu ấn lịch sử và trở thành tài sản quý báu của dân tộc
ảnh minh họa (nguồn internet)
Nếu Côn Sơn còn là chốn thiên nhiên kỳ thú thì Kiếp Bạc lại thu hút du khách với vùng bình địa, chốn sông nước mênh mang. Nơi đây có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tựa lưng vào núi Trán Rồng hướng ra sông Thương. Ngôi đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV. Trong đền còn lưu giữ bộ ấn thiêng của Đức Thánh Trần.
Kiếp Bạc còn là nơi hội tụ của 6 con sông (Lục Đầu giang), đó là sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Đây cũng là nơi Đức Thánh Trần hóa thân vào sông núi.
Cùng với sự giàu có về các giá trị văn hóa vật thể, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn hội tụ các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ.
Theo lệ cổ, vào ngày mất của Đức Thánh Trần (20 tháng 8 âm lịch) và ngày viên tịch của Thiền sư Huyền Quang (22 tháng Giêng âm lịch), triều đình đều cử các quan đại thần về tế, lễ cầu quốc thái dân an. Nhân dân bốn phương về trẩy hội và cung bái. Nhiều hình thái văn hóa phi vật thể đặc sắc và hấp dẫn được bảo lưu như tế, rước bộ, hội quân, lễ mộc dục, lễ cầu an...